TPHCM có những bước tiến vượt bậc, vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Chiều 25-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 năm 2024 (HEF 2024) đã diễn ra phiên đối thoại chính sách do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu đề dẫn phiên đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ vui mừng khi HEF 2024 nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong nước và quốc tế. Đặc biệt là sự tham dự, trực tiếp đối thoại của Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của HEF 2024. 5 năm gần đây, kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển ổn định, hàng năm đóng góp 20% GDP, 25% ngân sách cả nước.

Trong đó, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng, tỷ trọng đóng góp cao. Từ năm 2016 đến nay, với sự chuyển dịch mạnh mẽ, ngành công nghiệp TPHCM đã có những bước tiến vượt bậc, vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa, chế biến lương thực thực phẩm - là những ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, tác động tích cực đến kinh tế TPHCM.

dt3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh thành tựu, công nghiệp TPHCM cũng đứng trước thách thức phát triển thiếu bền vững, gia công lắp ráp còn chiếm tỷ lệ cao, giá trị gia tăng thấp, công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, phân bổ KCX-KCN không còn phù hợp. Một số KCN hiện nằm trong vùng lõi của TP, dẫn đến nhiều bất cập.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, việc chuyển đổi công nghiệp của TPHCM là hết sức cấp bách, cần thiết. Công nghiệp TP phải theo hướng công nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, chip, điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh gắn liền chuyển đổi số, phát triển hệ thống các dịch vụ để hỗ trợ sản xuất công nghiệp, như logistics, dịch vụ số, dịch vụ tài chính. Đặc biệt, phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, dược, văn hóa, điện ảnh.

Ngoài ra, chuyển đổi công nghiệp TPHCM phải gắn kết với các tỉnh thành khu vực và cả nước. Theo đồng chí Võ Văn Hoan, để chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần sự đồng hành của Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Trước hết là xây dựng chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của trung ương và chính sách thuộc thẩm quyền của TP. TPHCM sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế và các thành phố trên thế giới.

Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho TPHCM trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và phát triển, chuyển đổi công nghiệp nói riêng, nhưng quá trình triển khai khó khăn bất cập. Chính vì vậy, phiên đối thoại chính sách tại HEF là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.

Với vai trò chủ trì phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi TPHCM tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM lần thứ 5, quy mô lớn hơn, sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Chủ đề chuyển đổi công nghiệp là phạm trù rộng, khác biệt của TPHCM nhưng cũng là chủ đề mang tính thời sự quốc tế. Diễn đàn này rất có ý nghĩa, không chỉ với TPHCM mà với cả Việt Nam và bạn bè quốc tế cùng trao đổi, lắng nghe, hành động…

Tin cùng chuyên mục