Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng, khẳng định: “TPHCM có thể làm được căn hộ nhà ở xã hội diện tích 30m² (gồm 20m² sàn và 10m² gác lửng), với giá bán trên dưới 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực quanh khu chế xuất, khu công nghiệp, như Khu chế xuất Linh Trung I - II - III (326ha), Khu công nghệ cao (913ha, nhất là trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2), Công viên phần mềm Quang Trung (43ha), Đại học Quốc gia TPHCM (647ha; trong đó khoảng 2/3 diện tích thuộc tỉnh Bình Dương).
Riêng Khu đô thị Công nghiệp cảng biển Hiệp Phước (3.600ha) có điều kiện thuận lợi về quỹ đất nhưng do nền đất yếu, lại chưa phát triển đầy đủ hệ thống hạ tầng, dịch vụ nên chi phí đầu tư loại nhà này sẽ cao hơn. Khu chế xuất Tân Thuận (320ha) cũng đã điều chỉnh quy hoạch và giao Công ty Sadeco cùng các doanh nghiệp FDI phát triển dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, lao động của khu chế xuất và doanh nghiệp FDI hoạt động tại đây.
Ngoài ra, còn quỹ đất tại các Nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, Nông trường bò sữa (huyện Củ Chi) do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý; Nông trường Láng Le do huyện Bình Chánh quản lý… cũng đều có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch để dành một phần quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Horea cho rằng, cần khuyến khích xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở cho thuê giá rẻ. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, cũng có hàng chục ngàn cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển các khu nhà trọ, phòng trọ (mặc dù phần lớn chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tiện ích và dịch vụ, chưa đảm bảo an toàn, an ninh) đã góp phần giải quyết được phần lớn nhu cầu thuê nhà ở của công nhân, lao động, người nhập cư.
Các cơ quan chức năng nên có thêm chính sách để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt hơn. Đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải có trách nhiệm đầu tư khu nhà lưu trú cho công nhân, bởi hiện nay chi phí đầu tư nhà ở cho công nhân đã được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Horea cũng đề nghị bổ sung “danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội” vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28-08-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, do trong nghị quyết trên chưa có danh mục chi này để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Bên cạnh việc phát triển loại căn hộ nhà ở xã hội nhỏ 1 phòng ngủ, diện tích 25 - 30m², giá bán vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình ít người, độc thân, TPHCM nên tập trung phát triển loại căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 50 - 77m², có giá bán khoảng 500 - 800 triệu đồng/căn. Nếu muốn hạ giá thành nhà ở xã hội thì cần đầu tư những dự án lớn, có quy mô từ 10 - 20ha, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá rẻ để hình thành khu đô thị mới với đầy đủ tiện ích.
Được biết, hiện quy mô dân số TPHCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số và trên 400.000 sinh viên đang theo học tại các trường ở TP... Qua khảo sát của Sở Xây dựng TPHCM và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà, khoảng 81.000 hộ cần mua nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại TPHCM cũng có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ.