TPHCM có đủ điện trong mùa khô 2018?

Vào cao điểm mùa khô năm nay, nguồn điện có đủ cung ứng cho sản xuất và sinh hoạt tại TPHCM hay không? Đó là điều các doanh nghiệp và người dân ở TP đang rất quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã mang câu hỏi này đến ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM.

 

 

Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn bảo trì, nâng cấp lưới điện trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3)
Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn bảo trì, nâng cấp lưới điện trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3)
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trước Tết Mậu Tuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cảnh báo có thể thiếu điện trong mùa khô 2018 ở phía Nam, trong đó có TPHCM. Ông có thể thông tin thêm về nguồn phát hiện nay cho nhu cầu điện phía Nam? 

* Ông PHẠM QUỐC BẢO: Dự báo nhu cầu phụ tải trong năm 2018 của TPHCM gia tăng; sản lượng điện thương phẩm đạt đến 24.200 triệu kWh, ước tính tăng khoảng 5,71% so với thực hiện năm 2017; công suất cực đại dự kiến tăng 7,05%. Hiện nay, hệ thống lưới điện TPHCM có độ dự phòng được đảm bảo khá an toàn: lưới 220kV là 58%, lưới 110kV là 48% và lưới điện 22kV là 67%. Để đảm bảo nguồn điện cung cấp cho sản xuất - sinh hoạt của TPHCM trong mùa khô 2018, chúng tôi đã lập phương án rà soát kiểm tra, bảo trì, sửa chữa nâng cấp lưới điện, đồng thời EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam ưu tiên huy động nguồn phát cho khu vực TPHCM. 

* Liệu tại TPHCM có cắt điện công tác trong cao điểm mùa khô hay không?

* Dự kiến trong mùa khô 2018, nhu cầu phụ tải cao điểm lên đến 76,6 triệu kWh/ngày, tăng 3% so với cùng kỳ. Với nguồn phát được Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam huy động và vận hành lưới điện có dự phòng, các phương án cung cấp điện cho mùa khô đã được lập và diễn tập để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho nhu cầu sử dụng điện của TPHCM. Mặt khác, Tổng công ty Điện lực TPHCM còn lập phương án cung cấp điện tối ưu cho mùa khô 2018, theo đó trang bị thêm máy phát dự phòng tại các đơn vị để đảm bảo cung cấp nguồn  điện đầy đủ cả khi nắng nóng nhất. Trong các tháng 4 và 5 (cao điểm mùa khô), chúng tôi sẽ không bố trí cắt điện để thi công sửa chữa bảo trì lưới điện. Các công tác trên lưới, nếu có, sẽ sử dụng công nghệ thi công không cắt điện (live-line) và các giải pháp chuyển tải linh hoạt, an toàn. Để đề phòng các trường hợp mất điện do bất khả kháng (thiên tai, cây xanh ngã vào đường dây…) và sự cố lưới điện, các đơn vị đã lập kế hoạch đảm bảo nhân lực và phương tiện, dự phòng vật tư thiết bị đầy đủ, ứng dụng tự động hóa trong lưới điện, nhằm xử lý tái lập nguồn điện trong thời gian không quá 2 tiếng. 

* Hiện còn một số công trình cung cấp điện cho TPHCM đang bị vướng, ông có thể thông tin thêm về việc này? Các biện pháp tháo gỡ cho công trình kịp hoàn thành để đóng điện? 

* Hiện nay, một số dự án lưới điện trọng điểm cấp điện cho địa bàn TPHCM do Tổng công ty Điện lực TPHCM đầu tư vẫn phải đối mặt với các khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng như các thủ tục liên quan đến địa phương triển khai còn chậm, dẫn đến nguy cơ các dự án có khả năng không thể hoàn tất đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra. Dự án đường dây 220kV Nam Sài Gòn - quận 8 là dự án trọng điểm cấp điện cho mùa khô, vẫn còn vướng một vị trí trụ do chưa được bàn giao mặt bằng; chúng tôi đang phối hợp với huyện Bình Chánh để giải quyết. Trạm biến áp 110kV Hóc Môn 2 (xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) sẽ nhận nguồn điện từ đường dây 220/110kV Cầu Bông - Bình Tân, nhằm giải tỏa tình trạng quá tải cục bộ cho khu vực dân cư và các cụm công nghiệp thuộc phía Tây huyện Hóc Môn, nhưng vẫn chưa có đất sạch để thi công, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, vận động người dân, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục liên quan, từ đó tạo điều kiện cho dự án về đích đúng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục