Chiều 4-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.
Dạy và học trên môi trường Internet đến hết học kỳ 1
Mở đầu buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM cho biết, tính đến 18 giờ ngày 3-9, có 241.603 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 241.143 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TPHCM đang điều trị 42.862 bệnh nhân, trong đó có 3.106 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.770 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 3-9 có 2.266 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 122.775), 256 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 10.230).
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 3-9 là 6.321.049, trong đó tổng số mũi 1 là 5.923.063, mũi 2 là 397.986, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 691.358.
Thông tin về tình hình chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học này ngành giáo dục đứng trước rất nhiều khó khăn, tất cả học sinh của TP không được đến trường và phải mở đầu năm học mới trên môi trường Internet. Trước diễn biến dịch bệnh tại TPHCM còn phức tạp, TP không tổ chức tựu trường cũng như khai giảng.
Liên quan đến việc các em học sinh ở các cấp học thiếu điều kiện học tập trên môi trường Internet, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, thống kê có khoảng 75.000 học sinh ở các cấp học, bậc học phản ánh thiếu, trong đó ở bậc tiểu học chiếm 31.000, THCS chiếm 22.000 và THPT chiếm hơn 15.000.
Đối với các em học sinh không có thiết bị học tập, Sở đã triển khai sách điện tử của Bộ GD-ĐT và các clip ghi hình bài giảng trên tất cả các trang web của trường để các em học sinh tiện theo dõi. Trường hợp các em học sinh không thể tiếp cận được với các phương tiện dạy học, Sở GD-ĐT đã tổ chức xây dựng các phiếu học tập và sử dụng mạng lưới cộng tác viên, giáo viên tình nguyện hỗ trợ từng nhà hướng dẫn học tập cho các em.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện TPHCM có khoảng 6.600 học sinh các cấp học đang là F0, hầu hết không có triệu chứng. Do đó, học sinh có thể tiếp tục tham gia học tập trên môi trường Internet trong thời gian cách ly.
“Ngành GD-ĐT xác định dạy và học trên môi trường Internet đến hết học kỳ 1, bên cạnh đó, xây dựng các kế hoạch sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giáo viên sẽ ưu tiên kèm cặp, củng cố, giúp đỡ các em học sinh thiếu thiết bị học tập hoặc hoạt động không hiệu quả trên môi trường Internet để củng cố bài làm sao để kết thúc năm học các em sẽ có được kiến thức”, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định và cho biết, TP đã có kiến nghị với bộ chủ động kéo dài thời gian năm học khoảng 2 tuần để đảm bảo tổng thời lượng, ôn tập củng cố cho các em khi học trên môi trường Internet.
Các vụ phạm pháp hình sự giảm 85%
Liên quan đến tình hình an ninh trật tự trong thời gian qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, thống kê từ ngày 23-8 đến ngày 4-9, trên địa bàn TPHCM xảy ra 19 vụ phạm pháp hình sự, giảm 85% so với năm 2020. Cụ thể, 11 vụ trộm, 1 vụ cướp, 1 vụ giết người, 3 vụ chống người thi hành công vụ, 1 vụ hiếp dâm, 1 vụ giả mạo chức vụ công tác, 1 vụ làm giả con dấu tài liệu con dấu cơ quan nhà nước.
Đến nay, Công an TPHCM đã điều tra 18/19 vụ, bắt 22 đối tượng, đang điều tra 1 vụ làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước. Về tình hình phạm pháp hình sự, qua thống kê, tình trạng trộm cắp tài sản vẫn chiếm số lượng lớn.
Về tình hình trật tự an toàn giao thông, từ ngày 23-8 đến ngày 4-9 xảy ra 6 vụ TNGT, trong đó có 2 vụ TNGT nghiêm trọng, chết 2 người, bị thương 2 người. Về phòng cháy chữa cháy, xảy ra 1 vụ cháy làm chết 1 người.
Đánh giá hiệu quả việc thí điểm sử dụng 2 camera quét mã QR tại các chốt kiểm soát, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, việc triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý, kiểm soát người đi đường đã có nhiều ưu điểm như: xử lý thông tin và kiểm tra nhanh; giữ được khoảng cách giữa cán bộ chiến sĩ và người dân; xác thực và kiểm tra chính xác người di chuyển.
“Về lâu dài, việc sử dụng QR code không chỉ sử dụng kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, sau này có thể sử dụng trong các sự kiện, tổ chức, kiểm tra, kiểm soát an ninh không cần cấp thẻ chỉ cần tích hợp lên mã căn cước công dân để kiểm soát một cách chính xác”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói. |
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc số ca mắc Covid-19 tăng cao trong ngày 3-9 với gần 8.500 ca, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, đây không phải là tăng đột biến.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm lý giải, do các địa phương lúc này mới mang mẫu test nhanh trước đó đi làm xét nghiệm khẳng định PCR. Bên cạnh đó, có một số ca test nhanh dương tính được đưa vào khu cách ly, đến thời hạn hết cách ly được làm xét nghiệm PRC thì ra kết quả khẳng định dương tính.
Về những người tiêm vaccine Moderna mũi 1 đến nay đã đến hạn tiêm mũi 2 nhưng chưa có thuốc, ông Tâm cho biết, số vaccine này hoàn toàn do Bộ Y tế cấp. Hiện nay TPHCM chưa được nhận thêm vaccine này, thành phố vẫn đang tìm giải pháp để thay thế trên cơ sở nghiên cứu khoa học và những yếu tố chuyên môn.
Thông tin về gói Combo nông sản 100.000 đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyễn Phương cho rằng, gói combo gồm 5 hàng hóa nông sản thiết yếu: rau chủ quả, trái cây, gạo, lương thực hoặc thịt, trứng, thủy hải sản... Trọng lượng 10kg giá tiền 100.0000 đồng. Sở Công thương, Sở NN-PT-NT đã triển khai đến UB MTTQ các quận, huyện và TP Thủ Đức để triển khai đến người dân biết thông tin và đăng ký mua. Sở NN-PT-NT TPHCM đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức đặt hàng. |