Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, trong thời gian qua, việc phát triển nhà ở trên địa bàn TPHCM chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chưa đa dạng được sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê.
Quá trình triển khai các dự án cũng chưa có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ thực tế đó, TPHCM đã ban hành chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 cũng như ban hành kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, kế hoạch phát triển nhà ở cho các năm.
Trong những năm qua, thành phố đặt mục tiêu trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 để bảo đảm được đến năm 2025 đạt 23,5 m2 nhà ở/ người (hiện nay là 21,4 m2 nhà ở/người). Trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt 50 triệu m2 nhà ở. Qua quá trình thực hiện của giai đoạn năm 2021-2022 đã đạt khoảng 28%, tức là 3 năm tới (2023-2025), thành phố phải rất nỗ lực để bảo đảm trung bình mỗi năm đạt 13 triệu m2 nhà ở, bảo đảm kế hoạch đã đề ra.
Về thị trường BĐS tại TPHCM, trong 2 năm 2021-2022 có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Các phân khúc thị trường chưa có sự đồng bộ, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân. Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, trong năm 2023, thị trường BĐS sẽ gặp không ít khó khăn, TPHCM đang tập trung điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp.
Về nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường BĐS, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra một số nguyên nhân chính như các quy định pháp luật liên quan. Các dự án BĐS nhà ở liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh BĐS, Nhà ở, Đấu thầu… và đều có nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nhóm hồ sơ pháp lý của một số dự án trong thời điểm trước đây có nhiều nội dung cần phải rà soát lại để bảo đảm đúng quy định cũng gây mất nhiều thời gian, có một số trường hợp vượt thẩm quyền địa phương.
Cùng với đó là nguyên nhân chủ quan khi có một số cán bộ sợ trách nhiệm trong xử lý các vấn đề tồn đọng.
Về phương hướng sắp tới, TPHCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. Đặc biệt hiện nay thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.
Thành phố cũng tập trung hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của TPHCM (dự kiến trong tháng 9 năm nay sẽ trình), quy hoạch chung TP Thủ Đức (cuối năm nay sẽ trình).
Thành phố cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài… các dự án đa mục tiêu, chỉnh trang đô thị, thúc đẩy các dự án lớn.
Quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.
Thành phố đã lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án BĐS có sử dụng đất và không sử dụng vốn nhà nước; kết hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội BĐS để giải quyết theo chuyên đề. Hiện thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án BĐS, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm, hàng tuần sẽ tìm giải pháp tháo gỡ.
Song song đó, thành phố cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư, kinh doanh BĐS, các dự án BĐS có vi phạm về xây dựng, các dự án vi phạm về bảo lãnh trong quá trình thực hiện kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng.
Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, trong đó có hoạt động kinh doanh nhà ở để tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh BĐS thông qua các sàn giao dịch.
Trong khi đó, năm 2023 này, TP Hà Nội cũng quyết tâm rà soát, đánh giá 750 dự án để thu hồi. Hà Nội dự kiến sẽ phải dừng 4 dự án và thu hồi trên 2.600ha và chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất. Hiện nay đang thiếu các cơ chế chính sách cho phân khúc nhà ở cấp trung. TP Hà Nội sẽ tiến hành đấu thầu 5 khu nhà ở tập trung nhưng cơ chế chính sách về việc này chưa có, vì vậy kiến nghị cần có một nghị định linh hoạt của Chính phủ để xử lý vấn đề này.