TPHCM: Chuẩn bị đủ nguồn giáo viên cho năm học 2023-2024

Gần 100.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn TPHCM chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhấn mạnh đến những giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo chương trình lớp 10 trong năm học tới trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc

* PHÓNG VIÊN: Năm học 2023-2024 là năm thứ hai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai ở lớp 10. Phụ huynh và học sinh lo lắng trước tình trạng các trường THPT giảm số lượng tổ hợp môn học so với năm ngoái?

- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc: Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT cho phép người học lựa chọn môn học đáp ứng yêu cầu dạy học phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, do đó cần sự linh hoạt xây dựng phương án thực hiện của các cơ sở giáo dục.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu lựa chọn môn học của học sinh, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình GDPT 2018, như: rà soát, sửa chữa, khai thác tối đa các phòng học và phòng chức năng; sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lựa chọn môn học; chuẩn bị đủ nguồn giáo viên (tuyển dụng mới, hợp đồng, thỉnh giảng) và kinh phí tổ chức các môn học lựa chọn.

Năm học 2023-2024, TPHCM cũng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong việc phân công giáo viên, bố trí phòng học, quản lý dạy học, kiểm tra và đánh giá học sinh, sử dụng học liệu số để mở rộng không gian, thời gian tổ chức học tập cho học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-6. Cả 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ năm nay đều có cấu trúc không thay đổi so với năm học trước.

Ở môn Ngữ văn, đề thi tăng cường độ mở, đòi hỏi kỹ năng phân tích và tổng hợp kiến thức của học sinh.

Ở môn Toán, 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Với môn Ngoại ngữ, nội dung kiến thức tập trung ở lớp 9 với khoảng 10-15% câu hỏi phân hóa thí sinh.

* Thực tế năm học vừa qua cho thấy, nhiều học sinh xin chuyển đổi môn học sau khi kết thúc học kỳ 1. Sở GD-ĐT TPHCM có hướng dẫn, lưu ý gì về vấn đề này trong năm học tới?

- Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh cần giữ ổn định môn học, cụm chuyên đề học tập đến hết lớp 12. Nếu học sinh có nguyện vọng thì chuyển đổi vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và có đủ thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Khi thực hiện chuyển đổi môn học, học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức môn học ở lớp học trước đó, có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ. Ngoài ra, học sinh phải hoàn thành đủ nội dung kiểm tra, đánh giá của môn học đang theo học trước khi chuyển đổi qua môn mới.

Sau khi hoàn thành việc bổ sung kỹ năng, kiến thức, nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng đáp ứng của học sinh đối với các nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình, đảm bảo học sinh có đủ năng lực học môn mới ở các lớp tiếp theo. Nếu học sinh không đáp ứng yêu cầu môn học mới sẽ được tư vấn, đánh giá lại khả năng, duy trì học tập đối với các môn đã lựa chọn.

* Năm học 2023-2024, hai môn năng khiếu là Mỹ thuật và Âm nhạc tiếp tục vắng bóng ở nhiều trường THPT, dù nhu cầu của học sinh rất lớn. Ngành GD-ĐT thành phố có giải pháp gì?

- Bên cạnh việc đặt hàng đào tạo mới giáo viên với các trường sư phạm, TPHCM sẽ huy động giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS và tiểu học có trình độ đại học trở lên, có năng lực phù hợp để bố trí dạy học ở cấp THPT.

Ngoài ra, trong năm học tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức bằng nhiều hình thức để mở rộng nguồn tuyển. Trong đó, ngoài hình thức thi tuyển viên chức như các năm học trước, thành phố sẽ xét tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc, đồng thời tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Nếu vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Nội vụ xin ý kiến UBND TPHCM xem xét tiêu chuẩn trình độ đào tạo đối với các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc và Mỹ thuật nhưng không thuộc chuyên ngành đào tạo giáo viên.


Sớm đưa những ngôi trường mới vào hoạt động

Năm học 2023-2024, lần đầu tiên TPHCM thực hiện tuyển sinh lớp 1, lớp 6 bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời, các quận huyện tích cực mở mang, xây dựng trường lớp giúp phụ huynh, học sinh thuận lợi hơn trong việc lựa chọn trường học.

* Bà LÊ THỊ NGỌC DUNG, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân: Nâng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày

Trong năm học 2023-2024, dự kiến số học sinh của các bậc học tại quận Bình Tân tăng 8.233 em. Hiện quận có 4 phường đang gặp khó khăn trong việc bố trí chỗ học do không có đủ trường tiểu học, THCS. Trong đó, phường Bình Trị Đông A có 970 trẻ vào lớp 1 nhưng chỉ có 1 trường tiểu học tiếp nhận được 288 em. Tại phường Bình Hưng Hòa B, số học sinh lớp 5 tốt nghiệp là 2.646 em nhưng địa phương chỉ có 2 trường THCS tiếp nhận được 1.950 em, các em còn lại phải qua phường khác học.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung

Quận Bình Tân phấn đấu trong năm học tới kịp đưa vào sử dụng các dự án trường học mới, gồm: Trường Mầm non Nguyệt Quế (gần 66 tỷ đồng); Trường Tiểu học Trần Cao Vân (trên 164 tỷ đồng); Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (gần 191 tỷ đồng) và Trường Tiểu học Bình Trị Đông A (gần 110 tỷ đồng).

Từ năm 2021 đến nay, quận đã vận động xã hội hóa được 4 trường ngoài công lập với 150 phòng học. Từ nỗ lực đó, quận Bình Tân phấn đấu năm học 2023-2024 có tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày dự kiến: Mầm non đạt 100%; Tiểu học đạt 52% (năm học 2022-2023 đạt 40%) và THCS đạt 39% (năm học 2022-2023 đạt 20%).

* Bà LÊ THỊ BÌNH, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1: Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây trường, mở lớp

Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1 Lê Thị Bình
Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1 Lê Thị Bình

Năm học 2023-2024, dự kiến số học sinh của quận 1 tăng khoảng 20% so với năm học 2022-2023, do đó, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp mới được quận đặc biệt quan tâm, đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, quận 1 sẽ khánh thành đưa vào sử dụng Trường Mầm non Tuổi Hồng (gần 26 tỷ đồng); Trường Tiểu học Khai Minh được xây dựng trên nền đất hiện hữu gần 1.200m2, quy mô 15 phòng học và một số phòng chức năng (trên 44 tỷ đồng). Quận cũng sẽ khởi công xây dựng mới 16 phòng học của Trường THCS Minh Đức (khoảng 45 tỷ đồng) và xây mới Trường Tiểu học Nguyễn Huệ với 30 phòng học, đầy đủ phòng chức năng (gần 97 tỷ đồng)… Quận đã bố trí trên 9 tỷ đồng để sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất cho các trường học khác.

QUANG HUY ghi

Tin cùng chuyên mục