Cụ thể, UBND TPHCM sẽ chỉnh trang đô thị hai tuyến đường trên từ trung tuần tháng 3-2019. Trước mắt, sẽ hoàn chỉnh không gian công viên phía trước, phía sau Nhà hát thành phố và không gian khu vực giao lộ giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ theo hướng kết hợp các yếu tố cảnh quan nước, mảng xanh với không gian tượng đài Bác. Mục đích là tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan tại vị trí giao của hai không gian này, đồng thời phân tách không gian sử dụng, đảm bảo về mặt giao thông và tầm nhìn thông thoáng từ phía tượng đài Bác về hướng sông Sài Gòn cũng như đảm bảo tính trang nghiêm trước tượng đài Bác. Tại điểm giao giữa hai đường Lê Lợi với Nguyễn Huệ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, TP sẽ xem xét sử dụng hình thức hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật, kết hợp với đài phun nước để vừa giải quyết yêu cầu điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian (tĩnh và động, chính trị, văn hóa của trụ sở UBND TPHCM, tượng đài Bác và khu phố thương mại, du lịch… dọc 2 tuyến đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi), cải thiện môi trường khí hậu cũng như các yêu cầu về không gian khác. Công trình dự kiến hoàn thành trong quý 2-2019.
Cùng với tiến độ trả lại mặt bằng của dự án xây dựng tuyến metro số 1, UBND TPHCM sẽ hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi đảm bảo kết nối toàn bộ không gian công cộng trên mặt đất với không gian ngầm của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên trước Nhà hát thành phố và đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ đường Nguyễn Huệ với đường Lê Lợi (ảnh), cùng các kiến trúc khác nằm dọc 2 tuyến đường trên sẽ hình thành các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố và du khách.
Theo UBND TPHCM, quyết định chỉnh trang khu vực này xuất phát từ kế hoạch chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố, trong đó có khu vực trục đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ từ những năm 2011-2012. Thời điểm đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã cùng với đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế Idom (Tây Ban Nha) nghiên cứu và đề xuất ý tưởng xây dựng cảnh quan và không gian các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố với các không gian đi bộ, tổ chức giao thông công cộng và lập các hướng dẫn thiết kế đô thị cũng như thiết kế cảnh quan đường phố để các tổ chức, cá nhân tham khảo khi tiến hành xây dựng ở đây. Mặt khác, đây cũng là tâm huyết của giới chuyên môn, các kiến trúc sư, các chuyên gia về quản lý đô thị và đông đảo người dân thành phố mong muốn thành phố xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm ngày càng đẹp, hấp dẫn hơn.