Nguyên nhân là do các trường sư phạm hiện nay chưa đào tạo giáo viên dạy các ngoại ngữ này, trong khi đó chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm chưa được Bộ GD-ĐT triển khai áp dụng nên chưa thể đăng ký thực hiện thí điểm dạy tiếng Hàn và tiếng Đức theo chương trình ngoại ngữ 1 theo chủ trương của Bộ GD-ĐT.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, dạy học các môn ngoại ngữ, không riêng với môn tiếng Anh, trong nhà trường phổ thông hiện nay là một đòi hỏi quan trọng, đã được triển khai mở rộng ở các trường tiểu học, THCS và THPT từ nhiều năm qua.
Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, gần đây bổ sung thêm môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).
Nhằm giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD-ĐT mới đây vừa có quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu.
Đây cũng là nội dung thỏa thuận khung giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.
Theo đó, những địa phương có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học sẽ đăng ký với Bộ GD-ĐT thí điểm dạy ngoại ngữ 1 môn tiếng Hàn, tiếng Đức. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.
Sau khi thí điểm, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá, xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành ngoại ngữ 1 như các môn ngoại ngữ 1 khác.