TPHCM chú trọng phát triển công nghiệp điện ảnh

Sáng 15-2, tại TPHCM đã diễn ra tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TPHCM đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực điện ảnh. Tại tọa đàm, đồng chí Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, khẳng định: “Nếu tham gia UCCN, TPHCM sẽ cùng đội ngũ những người làm phim trên thế giới phát huy hơn nữa những giá trị điện ảnh mang lại”.

Địa đạo, dự án phim được thực hiện bằng ngân sách xã hội hóa
Địa đạo, dự án phim được thực hiện bằng ngân sách xã hội hóa

Hài hòa sáng kiến địa phương và quốc tế

Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cơ quan phối hợp tham mưu xây dựng hồ sơ, cho biết, dự thảo hồ sơ đăng ký tham gia UCCN của TPHCM tập trung vào 6 sáng kiến. Trong đó, 3 sáng kiến ở cấp độ địa phương gồm: kiến tạo điện ảnh trong học đường; dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh”; xây dựng trung tâm hỗ trợ điện ảnh. Ở cấp độ quốc tế, các sáng kiến thành phố đề xuất gồm: tổ chức diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á; tổ chức liên hoan phim quốc tế thường niên; hình thành đầu mối hỗ trợ phát triển điện ảnh.

“Khi trở thành thành phố sáng tạo về điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, TPHCM sẽ trở thành nơi kết nối điện ảnh Việt Nam với quốc tế, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm vào sự phát triển chung của điện ảnh khu vực. Đây cũng sẽ là động lực để thành phố triển khai hiệu quả các dự án phát triển điện ảnh chuyên nghiệp…, nỗ lực khẳng định vị thế, uy tín đối với điện ảnh trong nước và quốc tế”, báo cáo của Sở VH-TT TPHCM nêu.

Chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết, trước khi được công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc vào cuối năm 2023, Đà Lạt từng có đề xuất chọn lĩnh vực điện ảnh hoặc ẩm thực. Nhưng cá nhân bà nhận thấy, riêng với điện ảnh, TPHCM là lựa chọn xứng tầm hơn. “Sau khi lựa chọn và được UNESCO công nhận, chúng ta không chỉ làm vì thành phố của mình. Lúc đó, chúng ta còn phải có trách nhiệm đối với những vấn đề mang tính mở rộng và có tính toàn cầu”, bà Trần Thị Vũ Loan chia sẻ.

CN3 tieu diem.jpg
Địa đạo, dự án phim được thực hiện bằng ngân sách xã hội hóa

Đồng quan điểm đó, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) cũng khẳng định, đây không chỉ là danh hiệu, mà còn là cam kết trách nhiệm với cộng đồng. Trong khi đó, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cũng cho rằng, hồ sơ của TPHCM phải được thiết kế với yêu cầu huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan. Đặc biệt, nó phải là thành quả hợp tác ở cấp độ địa phương và phạm vi quốc tế.

“Việc gia nhập UCCN được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội, như: gia tăng giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cho nền kinh tế địa phương; tạo việc làm, doanh thu, tăng cường tính cạnh tranh của thành phố; tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa của cộng đồng; bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng, độc đáo về văn hóa; thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược, chính sách và các thực hành văn hóa giữa các thành phố thành viên; kết nối các nghệ sĩ, các doanh nghiệp trong một môi trường quốc tế, tiếp cận thị trường quốc tế và các công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá hình ảnh cho thành phố, thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy giao thương…”, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) chia sẻ.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Nêu ra những thuận lợi của TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định, trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố luôn đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp điện ảnh, một lĩnh vực có bề dày lịch sử và có sức hút mãnh liệt, sự tập trung nguồn lực đa dạng và phong phú, sự thu hút đầu tư về sáng tạo nội dung và cách thức hoạt động hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở VH-TT TPHCM, trong lĩnh vực điện ảnh, thành phố hiện có 935 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 100 nhà sản xuất hoạt động thường xuyên với hơn 9.200 lao động. Năm 2024, thị trường điện ảnh của thành phố tạo ra doanh thu 500 triệu USD (chiếm khoảng 40% thị trường điện ảnh của Việt Nam), đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tuy có nhiều thuận lợi, song để được UNESCO công nhận còn rất nhiều thách thức hiện hữu. Ông Phạm Bình An nêu ra một số vấn đề khó khăn của điện ảnh TPHCM hiện nay, như: kinh tế phát triển chưa bền vững, tác động tiêu cực đến đầu tư sản xuất phim cũng như nhu cầu thưởng thức của người dân; sự phân hóa lớn trong thị hiếu thẩm mỹ dẫn đến sự khác biệt lớn trong việc hưởng thụ văn hóa; nhu cầu sáng tác rất phong phú nhưng không gian sáng tạo còn hạn chế; các thủ tục hành chính rườm rà gây hạn chế trong hợp tác công tư...

CN3 tieu diem 2.jpg
Các sự kiện điện ảnh diễn ra liên tục, sôi động tại TPHCM

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của TPHCM hiện nay, như: cải thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các phim trường đạt chuẩn quốc tế; chính sách hỗ trợ và thu hút các nhà làm phim quốc tế… Đặc biệt, ông Jeremy Segay, Tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, còn đề cập đến việc thành phố chưa có hội đồng điện ảnh (film commission) để đóng vai trò kết nối, hỗ trợ những người làm điện ảnh.

Dựa trên những kinh nghiệm thực tế khi xây dựng hồ sơ cho TP Đà Lạt, bà Trần Thị Vũ Loan chia sẻ: “Hồ sơ của TPHCM phải thể hiện được tính ưu việt và những ưu thế, bởi nó cũng là cam kết với UNESCO để thực hiện sau này. Đặc biệt, hồ sơ phải thể hiện được sự công bằng trong việc tiếp cận dành cho mọi đối tượng. Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế hợp tác công tư rõ ràng về mặt chính sách và tài chính giữa nhà nước và tư nhân, đơn giản hóa và thuận lợi về mặt thủ tục hành chính”. Cùng với đó, bà Trần Thị Vũ Loan cũng tiết lộ, thành phố cần có chiến lược truyền thông quốc tế để tăng độ nhận diện, tăng cường vận động hành lang nhằm kêu gọi nhiều hơn nữa sự ủng hộ.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững, đặt các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào trung tâm của các kế hoạch phát triển cấp địa phương, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm: Thiết kế, văn học, âm nhạc, thủ công và nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh, nghệ thuật truyền thông. Tại Việt Nam, hiện có 3 thành phố tham gia UCCN là: Hà Nội (lĩnh vực thiết kế), Đà Lạt (lĩnh vực âm nhạc), Hội An (lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian).

Tin cùng chuyên mục