LTS: Hôm nay 26-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức khai mạc. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đại biểu dự đại hội, đã chia sẻ với báo chí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Báo SGGP trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của đồng chí Nguyễn Thành Phong.
Trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, TPHCM đã vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá; đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của TPHCM.
Phát huy vai trò nòng cốt của TPHCM
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, TPHCM đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, yếu kém. Qua đó, TPHCM đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực và tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Đặc biệt, TPHCM có đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ những kết quả trên, cùng với định hướng của Trung ương và việc nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương.
Cụ thể xác định, đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gọi tắt là Vùng) và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình… Đồng thời xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Trong đó, GRDP bình quân đầu người (Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM bình quân đầu người) đạt khoảng 8.500 USD vào năm 2025, khoảng 13.000 USD vào năm 2030 và khoảng 37.000 USD vào năm 2045.
Trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, TPHCM đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025 và nâng dần để đạt mức 40% vào năm 2030...
Để đạt mục tiêu trên, TPHCM tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Cụ thể, TPHCM tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Trong đó, TPHCM chú trọng phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực, có giá trị gia tăng cao; hoàn thiện chính sách để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thương hiệu của TPHCM, hỗ trợ các doanh nghiệp của TPHCM có uy tín, đủ năng lực tham gia cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
TPHCM cũng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số; đồng thời tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong các công đoạn nhằm mang lại giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Ngoài ra, TPHCM từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM trong khu vực, TPHCM còn tập trung xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM cũng nỗ lực xây dựng TPHCM thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM - TP Thủ Đức, trở thành một cực tăng trưởng mới cho TPHCM và cả Vùng.
"Tôi rất vui mừng, tràn đầy niềm tin về sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng và xin khẳng định: TPHCM đã sẵn sàng triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII đề ra" Đồng chí Nguyễn Thành Phong |
Việc đặc biệt quan trọng hiện nay chính là đổi mới quản lý TPHCM. Năm 2021 và những năm tới đây, TPHCM tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đồng thời TPHCM đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.
TPHCM phấn đấu thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.
Trong quá trình phát triển, TPHCM luôn chú trọng tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế. TPHCM cũng đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, TPHCM vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm. Đầu tiên là chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM, thể hiện sự chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý TPHCM phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước. Chương trình này cũng xác định nhiệm vụ đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách TPHCM, xây dựng chính quyền đô thị, hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh…
Với chương trình đột phá phát triển hạ tầng, TPHCM tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông. Trong khi đó, chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Với chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, TPHCM khẳng định sự đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. TPHCM chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỷ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể nói, TPHCM luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghiên cứu sâu kỹ dự thảo các nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng để vận dụng triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. TPHCM tin tưởng rằng, sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, với sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp TPHCM và sự hợp tác cùng phát triển của các địa phương sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp, động lực to lớn giúp TPHCM thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, ngày càng nâng cao uy tín, vai trò, vị thế trên trường quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quá trình phát triển, TPHCM chú trọng phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. TPHCM cũng đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Đó là tập trung phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam TPHCM, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Đặc biệt, TPHCM sẽ xây dựng thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM