TPHCM chủ động ứng phó với mưa lớn, triều cường dâng cao

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, thời tiết Nam bộ ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông đồng thời cảnh báo triều cường trên sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Thời tiết Nam bộ từ ngày 18 đến ngày 21-9: nhiều mây, có mưa rào và dông nhiều nơi, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng mưa lớn cục bộ gây ngập các khu vực trũng thấp. Tại TPHCM, nhiều mây, có mưa rào và dông nhiều nơi, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng mưa lớn cục bộ gây ngập các khu vực trũng thấp.

ATNĐ gây đợt mưa lớn trên khu vực, khả năng gây ngập một số khu vực trũng thấp, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, hoạt động ngoài trời và giao thông. Bên cạnh đó, trong mưa dông khả năng kèm theo các hiện tượng cực đoan như sét, lốc xoáy, gió giật gây nguy hiểm.

20240918_064733.jpg

Ngày 18-9, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng phát đi cảnh báo triều cường trên sông Sài Gòn - Đồng Nai. Theo đó, trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng tám (âm lịch) và mức cao trên báo động 1. Đến 7 giờ ngày 18-9, mực nước cao nhất ngày tại trạm ở mức như sau: trạm Phú An trên sông Sài Gòn, mực nước 1,42m, xấp xỉ báo động 1; trạm Nhà Bè trên sông Đồng Điền, mực nước 1,45m trên báo động 1 là 0,5m.

Dự báo, mực nước tại các trạm sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 20 - 21-9 (tức ngày 18 - 19-8 âm lịch) và đạt mức như sau: tại trạm Phú An, Nhà Bè ở mức 1,6-1,65m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 là 0,05m); thời gian xuất hiện từ 5-7 giờ và 17-19 giờ. Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2.

Mực nước đỉnh triều ở mức cao có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và ven sông, ảnh hưởng đến giao thông, các hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội ở TPHCM. Một vài tuyến đường tại TPHCM có thể bị ngập như: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu (tập trung nhiều tại quận 7 và huyện Nhà Bè)…

20240918_064649.jpg
Ngày 18-9, nhiều khu vực ở TPHCM có mưa rất to từ 6 giờ sáng

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó trưởng ban Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, để ứng phó với mưa lớn, triều cường dâng cao khu vực TPHCM, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ngành, đơn vị, TP Thủ Đức và quận, huyện về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó ATNĐ, triều cường kết hợp mưa lớn giữa tháng 9. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động phương án, biện pháp phòng chống, ứng phó.

UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải TPHCM cần thường xuyên thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển biết diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu. Các nơi không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van cống kiểm soát triều gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu, vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm. Đồng thời, các đơn vị phối hợp với Công an TPHCM bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập.

Tin cùng chuyên mục