TPHCM là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước trong nhiều năm qua, nhưng việc đô thị hóa chủ yếu từ việc chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất, diện tích đất để ở, làm việc tăng nhanh nên tiêu thụ năng lượng rất lớn (chiếm bình quân 9,25% tổng nhu cầu tiêu thụ của cả nước trong giai đoạn 2010-2016). Quá trình công nghiệp hóa nhanh cũng làm tăng phát thải khí nhà kính.
Thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu. Nhận thức được điều này, thời gian qua thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện chỉ mới dừng lại ở giai đoạn khởi đầu và phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết.
Theo lộ trình của Chính phủ, từ năm 2021-2027 là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng quy chế vận hành và thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ carbon. Từ năm 2028 trở đi, sàn giao dịch carbon tại Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, trong khi chờ phát triển thị trường carbon trong nước với các tiêu chuẩn đo đạc, kiểm định, xác nhận tín chỉ theo quy định, thành phố đã đề xuất được chủ động tiếp cận thị trường quốc tế để có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc giao dịch tín chỉ carbon.
Theo đó, về mặt trình tự, thủ tục, thành phố dự kiến sẽ hợp tác với một số chuyên gia của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ thành phố tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ bán tín chỉ carbon cho bên mua để bên mua bù đắp lượng khí thải cam kết phải loại bỏ theo quy định.
Ngày 11-8, Sở TN-MT và Sở Tài chính đã họp trao đổi về kế hoạch nêu trên, trong đó tập trung vào các nội dung như lựa chọn chương trình, dự án; phối hợp các tổ chức phát hành tín chỉ để tạo chứng chỉ giảm phát thải; các phương thức mua bán tín chỉ carbon; thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mua tín chỉ carbon...