TPHCM: Chủ động phòng ngừa tai nạn điện mùa mưa

TPHCM đang vào mùa mưa. Để chủ động phòng chống bão, ngập úng, giông lốc và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra

Trước mùa mưa bão, EVNHCMC đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ lưới điện, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan để kịp thời xử lý. Chủ động phối hợp với các Khu quản lý đô thị, Công ty Công viên cây xanh tổ chức kiểm tra mé nhánh, tỉa cành các cây xanh có thể tác động đến lưới điện, bảng quảng cáo, lều, lán… có khả năng ngã đổ, ảnh hưởng đường dây, trạm biến áp. Lập phương án ứng phó khi có cây ngã, đổ vào đường dây cao áp, đảm bảo cung cấp điện các tuyến dây trọng yếu của từng quận huyện.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, công nhân Đội quản lý lưới điện Công ty Điện lực Củ Chi, cho biết, vào mùa mưa, các anh em trong đội thường xuyên kiểm tra, phát hiện nguy cơ có thể gây ra sự cố cho lưới điện. Chính việc chủ động phòng ngừa đã đảm bảo việc vận hành lưới điện được an toàn, ổn định, liên tục. “Chúng tôi được tổng công ty quan tâm, trang bị đầy đủ xe cộ, phương tiện bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn khi làm việc. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân cách bảo đảm an toàn điện trong mùa mưa bão”, anh Hiếu nói.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi, cho biết thêm, hàng năm, trước mùa mưa bão, công ty đều tổ chức kiểm tra lưới điện định kỳ và đột xuất, nhằm phát hiện các nguy cơ, bất thường trên lưới điện để xử lý kịp thời. Do địa bàn rộng, Điện lực Củ Chi đã thành lập lực lượng trực “nóng” để nhanh chóng xử lý sự cố khẩn cấp. Ngành điện lực cũng được trang bị đầy đủ trang thiết bị như xe gầu, xe cẩu để đáp ứng các tình huống ngã, đổ trụ điện. “Chúng tôi luôn chuẩn bị tốt nhất nhân lực, vật lực, đồng thời phối hợp với một số đơn vị đề phòng trường hợp xảy ra sự cố trên diện rộng thì có thể nhanh chóng huy động lực lượng xử lý sự cố, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện trên địa bàn TPHCM”, ông Lâm nói.

Nhân viên ngành điện TPHCM chủ động kiểm tra an toàn lưới điện trên địa bàn thành phố
Nhân viên ngành điện TPHCM chủ động kiểm tra an toàn lưới điện trên địa bàn thành phố

Tiếp tục ngầm hóa lưới điện

Ông Huỳnh Lê Khương, Phó trưởng Ban An toàn EVNHCMC, cho biết, trước mùa mưa bão, đơn vị đã triển khai chủ động kiểm tra an toàn lưới điện, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, trũng, có nguy cơ ngập lụt, phối hợp với các đơn vị kiểm tra mé nhánh, tỉa cành các cây xanh có thể tác động đến lưới điện. Khi có sự cố trên lưới điện do thiên tai gây ra, EVNHCMC chủ động cắt điện nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân, công nhân thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, EVNHCMC tiếp tục thực hiện chương trình ngầm hóa lưới điện, lưới điện thông minh có chức năng theo dõi và điều khiển từ xa. Hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng an toàn điện, độ tin cậy cung cấp điện và giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như thời tiết.

Ông Huỳnh Lê Khương cũng khuyến cáo người dân không được chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện trong gia đình. Nếu có dấu hiệu hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, thay thế nhằm tránh rò điện, nguy cơ mất an toàn gây ra tai nạn điện. Thực hiện lắp các thiết bị đóng cắt (CB) chống giật cho toàn bộ ngôi nhà, phòng trọ vì thiết bị này có chức năng tự động phát hiện sự cố rò điện và có khả năng ngắt nguồn điện nhanh nhạy. Đồng thời, phải lắp CB chống giật hoặc cầu chì trước các ổ cắm điện hoặc theo từng khu vực (tầng, phòng trọ) để có thể ngắt điện khi có chạm, chập điện. Thực hiện bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mực nước thường ngập lụt, ẩm ướt. Lưu ý, không lắp đặt trực tiếp dây điện trên mái tôn hoặc hệ thống sắt thép của mái nhà vì qua tác động của thời tiết (nắng, mưa, gió…) có thể làm hư hỏng lớp cách điện gây rò rỉ điện. Trường hợp bất khả kháng, cần kéo dây trên/gần mái tôn, lò hơi có nhiệt độ cao, người dân không được tự ý thực hiện mà phải có đơn vị có chuyên môn về điện tư vấn/thiết kế lắp đặt hệ thống dây điện phù hợp (chủng loại dây, sứ cách điện, khoảng cách với mái tôn, bọc trong ống…) và thường xuyên kiểm tra, bảo trì để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Có thể thấy, công tác đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão năm nay của EVNHCMC được triển khai với nhiều biện pháp, bao gồm việc kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, tăng cường giám sát và phát hiện sớm các sự cố, sử dụng công nghệ hiện đại, giám sát từ xa để phát hiện và khắc phục sự cố một cách nhanh chóng. Cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng điện đúng cách cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch phòng chống thiên tai. Điều này cho thấy sự quan tâm và cẩn trọng của ngành điện đối với việc đảm bảo an toàn điện cho người dân, đặc biệt là trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TIẾT KIỆM ĐIỆN, ĐẢM BẢO ỔN ĐỊNH CUNG ỨNG ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TPHCM

* Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng:

- Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26°C trở lên.

- Mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc.

- Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng.

- Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau.

- Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.

- Hạn chế sử dụng trang phục trang trọng, áo vest… khi làm việc và tham gia họp.

* Đối với trường học, trung tâm đào tạo:

- Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26°C trở lên.

- Mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc lớp học.

- Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng học.

- Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng.

- Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau.

* Đối với trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ:

- Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26°C trở lên.

- Mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc hoạt động.

- Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng.

- Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau.

- Tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22 giờ.

- Tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ Công ty Điện lực.

- Khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.

* Đối với cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất:

- Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng.

- Dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22 giờ.

- Tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ Công ty Điện lực.

- Khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.

* Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông:

- Điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay.

- Giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22 giờ tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít.

* Đối với hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí:

- Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ 22 giờ.

- Tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ.

* Đối với các hộ gia đình:

- Thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng,….

- Sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26°C trở lên.

- Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.

Tin cùng chuyên mục