Các cơ quan chức năng của thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, như không cấp phép khai thác nước ngầm, phát triển đô thị ở những khu vực có nền địa chất tốt… Tuy nhiên, tình trạng sụt lún nền đất vẫn diễn biến phức tạp! Đô thị hóa đang gây ra hệ lụy về sự dịch chuyển địa chất tại TPHCM. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng sụt lún nền đất gia tăng và lan trên diện rộng, đe dọa đến sự an toàn của các công trình, nhất là an toàn của người dân. Kết quả từ các hoạt động quan trắc, đo đạc cho thấy tốc độ lún trung bình của TPHCM là 40mm/năm, nhưng cá biệt có những nơi lún nhanh với tốc độ hơn 60mm/năm, diện tích vùng lún cũng lan rộng hơn.Tiếp diễn và lan rộng Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang chuẩn bị thực hiện dự án chống lún cho tuyến đường Vành đai 2, từ nút giao Mỹ Thủy (quận 2) đến cầu Phú Hữu (quận 9), với chi phí dự toán đến 183,7 tỷ đồng. Cung đường này được xây dựng trên nền đất yếu, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều đoạn bị võng, ổ gà... Tại quận Bình Thạnh, đường Nguyễn Hữu Cảnh đang lún trầm trọng và cũng được lên kế hoạch cải tạo. Con đường này nằm ở khu vực “hội tụ” tất cả nguy cơ đã được các chuyên gia nghiên cứu và cảnh báo: nền đất yếu, nằm ven sông Sài Gòn, tốc độ lún nhanh…, vì thế mức độ lún lên đến 0,8m - 1,2m. Không chỉ con đường mà nhiều nhà dân ở khu vực này cũng có tình trạng nứt lún, xuống cấp nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp “hố tử thần” hay sự cố tại các công trình xây dựng xảy ra trong thời gian qua cũng được xác định nguyên nhân có liên quan đến hiện tượng lún nền đất.
Kè sông chống sạt lở tại huyện Nhà Bè, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, kết quả chương trình quan trắc lún cập nhật đến năm 2016 cho thấy hiện tượng lún vẫn tiếp diễn và lan rộng trên địa bàn thành phố. Tốc độ lún trung bình khoảng 40mm/năm, nơi lún nặng nhất đo được đến 67mm/năm; trong khi theo công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, vùng sụt lún nặng nhất vào năm 2015 là 28mm/năm. Vùng có tốc độ lún nhanh (trên 15mm/năm) tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại vi - từ Tây Bắc quận 2, Tây Bắc huyện Nhà Bè kéo dài qua Bình Chánh, quận 7, quận 8, Nam quận Bình Tân và khu vực giáp sông Sài Gòn của các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh... Tại khu vực nội thành, tốc độ lún giảm dần so với các năm trước, nhiều khu vực chỉ còn lún dưới 5mm/năm.
Bên cạnh chương trình quan trắc của thành phố, Bộ TN-MT đã có những đo đạc, nghiên cứu cho thấy tình trạng sụt lún đáng báo động tại TPHCM. Quá trình tiến hành đo kiểm tra mốc độ cao khu vực TPHCM và ĐBSCL (do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thực hiện) phát hiện sai lệch các mốc cao độ, qua đó cho thấy TPHCM và ĐBSCL có hiện tượng lún kéo dài. Sơ đồ phân vùng lún tại TPHCM cho thấy có các khu vực như Bình Chánh, Nam quận Bình Tân, quận 8, quận 7, Đông quận 12, Tây quận Thủ Đức, Bắc huyện Nhà Bè… với diện tích 240km2, thậm chí có điểm mốc tại xã Tân Túc (huyện Bình Chánh) lún đến 44cm/10 năm, hoặc có mốc tại An Lạc - Bình Tân, mốc lún lên đến 73cm/10 năm. Nguy cơ chồng nguy cơ Những hậu quả của hiện tượng lún mặt đất là khôn lường. Các giải pháp bù lún hay chống lún cho các công trình xây dựng “ngốn” chi phí rất lớn, nhưng đáng lo ngại hơn cả là chất lượng công trình và sự an toàn của những người sử dụng công trình ấy. Bên cạnh các công trình hạ tầng, phát triển kinh tế trên mặt đất thì TPHCM đang thực hiện một khối lượng lớn các công trình xây dựng dưới lòng đất, và sắp tới sẽ còn triển khai nhiều dự án khai thác không gian ngầm như các tuyến metro, bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại, hồ điều tiết… Những dịch chuyển về địa chất chắc chắn sẽ tác động lớn đến các công trình này nếu không có những biện pháp - kỹ thuật thi công phù hợp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng lún mặt đất có thể kéo theo nhiều tai biến địa chất khác, như trượt đất, sạt lở… Cho nên, việc khoanh vùng các khu vực lún và công bố thông tin chi tiết cho cộng đồng là cần thiết.
Các chuyên gia đã nêu một số nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng sút nền đất. Cụ thể, bên cạnh tác động của tự nhiên (như do dịch chuyển của mảng kiến tạo, quá trình nền đất cố kết tự mất nước và co ngót tự nhiên của lớp trầm tích honocen trẻ) còn có tác động từ con người như khai thác nước ngầm, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông…
PGS-TS Lê Văn Trung cho biết, hiện tượng sụt lún mặt đường đã góp phần gia tăng tình trạng ngập lụt đô thị, một số tuyến đường được xây dựng cao hơn mực nước triều nhưng vẫn cứ ngập vì bị lún đất. Hệ thống thoát nước được thiết kế đổ từ nơi cao xuống nơi thấp, hiện tượng sụt lún mặt đất có thể làm thay đổi cao độ thoát nước, dẫn đến tình trạng đầu cấp có thể thấp hơn đầu thoát ở các tuyến cống có độ dốc nhỏ, khiến cho nước không thoát được. Nguy cơ càng gia tăng do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ TN-MT xây dựng thì đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng thêm từ 70cm - 100cm, gần 18% diện tích TPHCM sẽ bị ngập; thế nhưng, do hiện tượng lún nền đất, diện tích ngập có thể tăng cao hơn con số này. Đồng thời, tại các khu vực gần biển, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây nên xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước, tác động tiêu cực đến cây trồng và không thể cải tạo đất hiệu quả để phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.