Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16-11, thay thế một số nội dung trong Chỉ thị 18/CT-UBND và một số văn bản khác liên quan đến việc vận chuyển, hoạt động sản xuất - kinh doanh, ăn uống do UBND TPHCM ban hành trước đó.
Quyết định 3900 quy định tạm thời các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch trên phạm vi phường, xã, thị trấn.
Siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm; chợ truyền thống, chợ đầu mối được hoạt động (đảm bảo tiêu chí an toàn với dịch Covid-19) ở nơi có cấp độ 1, 2, 3 và hạn chế ở nơi cấp độ 4.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động ở vùng cấp độ 1, hoạt động hạn chế ở nơi cấp độ 2, 3 và không hoạt động ở nơi cấp độ 4.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ ở địa phương cấp độ 1 và 2 hoạt động có điều kiện; ở cấp độ 3 và 4, hoạt động hạn chế có điều kiện.
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo được phép hoạt động ở địa phương có cấp độ 1, hoạt động có điều kiện ở địa phương cấp độ 2, không hoạt động ở địa phương có cấp độ 3 và 4...
Về hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp, quy định mới cho phép hoạt động ở cấp độ 1, 2, 3 và ngừng hoạt động ở vùng có cấp độ 4. Ở vùng cấp độ 2 và 3, thời gian, số lượng học sinh và việc ngừng một số hoạt động sẽ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; kết hợp dạy và học trực tuyến qua truyền hình.
Theo Quyết định 3900, người tham gia các hoạt động trên phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Người thuộc diện phải tiêm vaccine nhưng không thể tiêm do chống chỉ định, phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế...
Quyết định trên cũng nêu rõ từ 16-11-2021, người dân TPHCM sử dụng ứng dụng PC-Covid khi tham gia các hoạt động được quy định trong quyết định.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, trên tinh thần của quyết định này, người dân TPHCM cùng cả nước dùng PC-Covid trong các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các lớp dữ liệu phòng chống dịch của thành phố từ các ứng dụng, nền tảng riêng vẫn sẽ tiếp tục được cập nhật, tích hợp với PC-Covid để thiết lập chính sách hiển thị mã QR cá nhân gắn thông tin của người dân TPHCM; đồng thời xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch của cả nước cũng như tạo nguồn dữ liệu riêng của TPHCM phục vụ các công tác khác sau này.