Thiệt hại từ các thảm họa thiên nhiên trong 10 năm qua ước tính khoảng 202 tỷ đồng. Giai đoạn 1997-2007, hầu hết các quận huyện của TPHCM đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thảm họa tự nhiên. Phần lớn sự thiệt hại tập trung ở các huyện nông thôn dễ bị tổn thương như Cần Giờ, Nhà Bè, gần cửa sông Đồng Nai.
Nhiệt độ mặt nước dự báo sẽ tăng lên ở biển Đông, làm gia tăng cường độ bão xảy ra gần ở TPHCM hơn. Các trận bão nhiệt đới dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn ở phía Nam Việt Nam, vì vậy có xác suất ảnh hưởng đến TPHCM nhiều hơn.
Nước biển dâng sẽ là một yếu tố quan trọng, làm cao tác động của nước dâng trong bão. Nước biển sẽ dâng 26cm đối với kịch bản phát thải cao và 24cm đối với kịch bản phát thải thấp. Điều này ảnh hưởng đáng kể lên sự ngập lụt và nước dâng trong bão ở đất liền.
Các chuyên gia của ADB cũng nhìn nhận, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với tiên đoán trước đây, với những tác động tiềm tàng nghiêm trọng lên TPHCM. Nhưng vẫn còn thời gian để xây dựng những giải pháp phù hợp và thích nghi. Việc lập kế hoạch thích nghi chi tiết là chìa khóa cho một TPHCM có khả năng chống chọi cao. Tất cả các ngành và các địa bàn sẽ phải xem xét tác động của biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển của mình, sẽ phải cần những kế hoạch hướng dẫn và thích nghi.
Cần phải có sự cân bằng trong các hành động thích nghi với những biện pháp công trình được hỗ trợ bằng sự phục hồi hệ thống tự nhiên, các chương trình, chính sách kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị lồng ghép để tạo ra khuôn khổ “một địa bàn, một kế hoạch” cho tất cả sự phát triển trong thành phố. Nhiều biện pháp này đã và đang được thực hiện ở TPHCM, nhưng sẽ cần phải được điều chỉnh, tăng cường và áp dụng một cách có điều phối trong bối cảnh biến đổi khí hậu.