TPHCM: Chỉ còn 1 quận chưa nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi

Sáng 31-12, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn thành phố. 

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), năm học 2014-2015, TPHCM triển khai thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 13 trường mầm non công lập ở 8 quận, huyện (gồm các quận 7, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi). Có 175 trẻ 6-18 tháng tuổi được nhận giữ trong năm đầu tiên triển khai thí điểm.

z6183163652062_17f73c5f7872fa683803fd83d17aa81c.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10, TPHCM) trong một hoạt động với trẻ 6-18 tháng tuổi

Đến năm học 2015-2016, thành phố mở rộng thêm 4 quận gồm: 9, 11, Gò Vấp và Tân Bình.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện, toàn thành phố chỉ còn quận 4 chưa triển khai do hạn chế về nhu cầu và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục; 20 quận, huyện và TP Thủ Đức đã có cơ sở giáo dục nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2024-2025, có 241 cơ sở giáo dục mầm non nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, trong đó có 133 cơ sở công lập, 58 cơ sở ngoài công lập, 50 nhóm trẻ độc lập và 271 nhóm gửi trẻ với tổng số 2.593 trẻ.

Trong đó, kinh phí đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, trung bình 1 phòng học từ 120-300 triệu đồng/phòng.

z6183163660837_fc21e3ca8b79e1b9f0c85c9b57cc569e.jpg
Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) Lương Thị Hồng Điệp phát biểu tại buổi sơ kết 10 năm thực hiện giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi

Nhằm hỗ trợ đội ngũ giáo viên, TPHCM đã triển khai Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND (ngày 14-6-2014) của HĐND TPHCM về hỗ trợ giáo dục mầm non với mức hỗ trợ 35% mức lương cơ bản do tính chất công việc. Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ hơn 55 tỷ đồng.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận, chủ trương giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo thành phố đến sự phát triển toàn diện của trẻ em ngay từ những năm tháng đầu đời.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được giao cho ngành giáo dục, góp phần thực hiện chủ trương chăm lo cho các thế hệ trẻ, phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, mọi người dân đều có quyền thụ hưởng cuộc sống tốt nhất.

z6183163687523_6f30e23d9a713b4008c5c5212af29ee9.jpg
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá cao sự quan tâm, nỗ lực của các địa phương nói chung, cơ sở giáo dục nói riêng trên địa bàn

Từ năm 2014, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Kết quả đạt được nhờ có công tác tuyên truyền, vận động, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành cũng như sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục trong nhiều năm qua.

Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu thực tiễn, tham mưu UBND TPHCM triển khai chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo viên nhằm mở rộng hơn việc tổ chức nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi.

"Tôi đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh.

Cùng với đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tổ chức kiểm tra, giám sát trên tinh thần hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời, tạo an tâm cho phụ huynh.

Dịp này, Sở GD-ĐT TPHCM biểu dương 48 tập thể và 30 cá nhân có nhiều đóng góp trong triển khai thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-18 tháng tuổi.

Tin cùng chuyên mục