Ngày 27-11, Sở Y tế TPHCM cho biết vừa tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển người bệnh cấp cứu nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng theo các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về y tế.
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến nay, có 10 cơ sở được sở cấp phép hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển cấp cứu, trong đó có 2 cơ sở đã đóng cửa. Kết quả kiểm tra 8 cơ sở đang hoạt động cho thấy 6 cơ sở có sai phạm và bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính; chỉ có 2 cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Trong số 6 cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm được đoàn kiểm tra ghi nhận là: không có bãi đậu xe theo như biên bản thẩm định của Sở Y tế (thời điểm xin cấp phép); chưa bổ sung kịp thời đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu trên xe cứu thương theo quy định; bổ sung, thay thế xe vận chuyển cấp cứu chưa qua thẩm định các điều kiện an toàn cho người bệnh.
Nhiều cơ sở sử dụng nhân sự chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế; không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở, chưa kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế; chưa lập sổ theo dõi vận chuyển người bệnh, theo dõi chuyên môn các ca cấp cứu, chuyển viện; chưa tiến hành thủ tục xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ cấp cứu, vận chuyển và hỗ trợ người bệnh theo quy định…
Ngay sau kiểm tra, lãnh đạo Sở Y tế đã tổ chức buổi gặp gỡ các cơ sở này trên địa bàn nhằm lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các đơn vị vận chuyển cấp cứu tư nhân phải chấn chỉnh, tuân thủ các quy định pháp luật, tăng cường sự phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố góp phần phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
“Qua trao đổi, hầu hết cơ sở dịch vụ dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh chỉ đủ năng lực và điều kiện hỗ trợ vận chuyển người bệnh thông thường. Hơn nữa, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới có hiệu lực từ tháng 1-2024, khi đó, các cơ sở vận chuyển người bệnh cấp cứu phải có nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề cấp cứu viên ngoài bệnh viện”, Sở Y tế TPHCM thông tin.
Đồng thời kiến nghị các trường thuộc khối ngành sức khoẻ sớm mở thêm mã ngành chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện và mở các khoá đào tạo cho loại hình nhân viên y tế này, kiến nghị Bộ Y tế sớm có quy định rõ hơn về các loại hình xe cứu thương như các nước phát triển trên thế giới.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các các lực lượng chức năng để phát hiện, xử lý dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định chuyên môn kỹ thuật, điều kiện hành nghề của các cơ sở đã được cấp phép.
“Các cơ sở vận chuyển cấp cứu người bệnh phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ các quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ này. Người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép, có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 098 940 1155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định”, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo.