Ngày 26-10, Thường trực HĐND TPHCM do Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì đã có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đối với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT và Sở TT-TT TPHCM.
Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhấn mạnh đến tính chủ động của Sở Tài chính trong tham mưu cho thành phố về đề án liên doanh liên kết. Theo ông Cao Thanh Bình, đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu, xem xét đưa vào nội dung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
"Theo quy định, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt đề án này. Với khối lượng đề án rất lớn, hồ sơ pháp lý phải đảm bảo đầy đủ thủ tục. Hiện nay gần như chúng ta đang bị áp đặt. Nếu đề án này không được thực hiện kịp thời thì lãng phí rất lớn về nguồn lực nhà đất công cũng như khó khăn cho các đơn vị trong vận hành hoạt động", ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi giám sát |
Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM dẫn chứng, mới đây thành phố cũng trao đổi, hỏi ý kiến và được Bộ Tài chính có văn bản trả lời, đối với trường học, bệnh viện, việc bãi giữ xe, căn tin không cần xây dựng đề án. "Thấy thì đơn giản nhưng đi vào thực hiện lại phức tạp. Hiện, đề án xây dựng rất nhiều nhưng khi Sở Tài chính thẩm định thì số lượng bị trả về cao, lý do không đảm bảo các tiêu chí trong hồ sơ. Đây là một trong những mấu chốt của vấn đề thì nguyên nhân từ đâu?", ông Cao Thanh Bình hỏi và cho rằng, việc chậm được phê duyệt đề án do nhiều yếu tố, có cả khách quan và chủ quan, song phải nhìn nhận trách nhiệm của thành phố như thế nào.
Trao đổi lại, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Trần Mai Phương cho biết, hiện sở đã tiếp nhận đề án của 546 đơn vị với 737 đề án. Đến nay, có 3 đề án đã được thành phố phê duyệt và xem xét phê duyệt. Để tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng nguồn lực từ nhà, đất công, UBND TPHCM cùng Sở Tài chính đã làm việc với Bộ Tài chính. Bộ đã có văn bản trả lời khá cụ thể, những tài sản được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, được Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp mà đơn vị đó sử dụng không hết công suất, cần thiết phải liên doanh liên kết với đơn vị bên ngoài thì xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các vị trí mặt bằng sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phụ trợ, nhiệm vụ chính trị của cơ quan thì không phải xây dựng đề án và thủ trưởng đơn vị được quyết định. Tuy nhiên, để có pháp lý chặt chẽ nhằm yên tâm áp dụng, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sửa đổi quy định, thành phố và các tỉnh, thành đang chờ quy định mới để triển khai đồng bộ.