Ngày 23-4, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP tại TPHCM”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với thế mạnh là công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh đó, thành phố vẫn tồn tại những mảng xanh nông nghiệp với sản phẩm đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao. Thành phố luôn chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn đặc trưng, qua đó thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.
Trong xây dựng nông thôn mới, TPHCM yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện Chương trình OCOP. Đây là 1 trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để TPHCM hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục kinh tế hợp tác TPHCM cho biết, khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu; ý thức của một bộ phận công chức trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm; chính sách để phát triển OCOP chưa thực sự hoàn thiện.

Đồng thuận với ý kiến trên, TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TPHCM, cho rằng, ngoài sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và nhận diện thương hiệu cũng là một thách thức. Theo báo cáo của HĐND TPHCM, chỉ khoảng 35% các sản phẩm OCOP được phân phối qua các kênh bán hàng lớn như siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM, có đến 60% các cơ sở sản xuất OCOP gặp khó khăn trong nâng cao trình độ và tay nghề người lao động. Việc tiếp cận vốn khó khăn cùng với chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều cơ sở sản xuất khó duy trì và phát triển sản phẩm OCOP.
Từ đó, TS Nguyễn Minh Nhựt đề xuất tăng cường liên kết vùng để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu OCOP và đẩy mạnh hoạt động quảng bá; ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS-TS Vương Đức Hoàng Quân, Viện Nghiên cứu an toàn và sức khoẻ lao động, cũng đề xuất phải nhìn nhận OCOP như loại hình để phát triển kinh tế chung của đất nước.
Khi nói đến phát triển kinh tế thì phải hiểu đây là hệ sinh thái, không phải là sản phẩm mà phải đi từ khâu đầu đến khâu phân phối. Thậm chí phải coi OCOP là phi sản phẩm (như dịch vụ), sản phẩm phi nông nghiệp, để thay đổi về tư duy, mở rộng sản phẩm OCOP để phát triển linh hoạt, sát hơn với thực tiễn địa phương hiện nay.

Từ thực tiễn, ông Lâm Ngọc Tuấn, Hợp tác xã Tuấn Ngọc, đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn; đồng thời phát triển mạng lưới người nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, cần có logo OCOP TPHCM để nhận diện thương hiệu.
TPHCM đã công nhận 333 sản phẩm OCOP của 119 chủ thể, trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 254 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Lĩnh vực phát triển sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.