TPHCM “chạy nước rút” cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2024 là 7,5% thì tăng trưởng quý 4 phải chạm mốc 9%. Đây là một nhiệm vụ nặng nề mà thành phố phải “chạy nước rút” để kịp về đích.

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, nhận xét từ đầu năm đến nay, kinh tế TPHCM đang chịu tác động chung từ những khó khăn kinh tế toàn cầu như biến đổi khí hậu, áp lực giá cả, quy định ngày càng khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu chính, nhưng nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, du lịch phục hồi… nên tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được đà tích cực.

“Hoạt động sản xuất công nghiệp TPHCM có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng ngành lương thực thực phẩm đã đóng góp tích cực khi chỉ số sản xuất tăng hơn 3,3% so với cùng kỳ 2023. Một số nhóm hàng ghi nhận có tốc độ tăng trưởng rất cao như sản xuất dầu, mỡ động thực vật tăng 15%; sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 26,5%...”, bà Lý Kim Chi dẫn chứng.

Y1a.jpg
Khách tham quan tại Diễn đàn và Hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu (HCM City Export 2024) diễn ra tháng 5-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục ghi điểm khi đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của thành phố. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX TM Tân Quang Minh, cho biết, không chỉ riêng công ty mà nhiều doanh nghiệp thành viên trong Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, thậm chí đến hết quý 1-2025.

Những nhóm hàng chủ lực đang nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu là bún, gạo, nước uống trái cây đóng chai, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… Không chỉ tăng trưởng về số lượng đơn hàng xuất khẩu, mà năm 2024, các doanh nghiệp còn “bội thu” nhờ gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa cũng được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, vừa đưa vào hoạt động 2 siêu thị là Co.opmart đường Phạm Thế Hiển, quận 8 và Co.opXtra Long Bình, TP Thủ Đức, đầu tháng 11 tới sẽ có thêm Co.opXtra tại quận 8. Việc đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động nhiều siêu thị đã minh chứng rõ nét sức mua đã dần phục hồi trên thị trường.

Mặt khác, quý 4 là thời gian cao điểm mua sắm của người dân do có nhiều lễ hội và Tết Nguyên đán. Do vậy, Saigon Co.op cũng đã gia tăng nguồn hàng dự trữ, đồng thời chủ động làm việc sớm với các nhà cung ứng để đảm bảo ổn định giá thành sản phẩm, tránh tăng giá gây ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.

Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng cao kỷ lục

Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, hiện tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,82 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ. Giá bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như gạo là 625 USD/tấn, tăng 14,8%; cà phê 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; hạt tiêu 4.810 USD/tấn, tăng 47%... Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục là 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn để tiếp sức tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên SGGP, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, ngoài những chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, xuất khẩu nêu trên, những chỉ số kinh tế khác của thành phố cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện tăng 6,7%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 14,3%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 12% và chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,17%... Và với đà phục hồi kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu của TPHCM dự báo sẽ tiếp tục nhận được lực kéo thuận lợi từ các thị trường xuất khẩu chủ lực, hỗ trợ cho sự phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM.

Đối với trung hạn, thành phố cần gia tăng hoạt động xúc tiến giao thương có tính liên kết vùng, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu sức mua. Hoạt động du lịch là nguồn thu ngân sách lớn cho thành phố, do vậy cần tận dụng tối đa những ngày lễ lớn, nhất là dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch để kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Y5d.jpg
Công nhân giám sát chuyền sản xuất tại Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo các chuyên gia kinh tế, thành phố đã hành động kịp thời nhằm “hà hơi tiếp sức” cho đà tăng trưởng, đó là tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách. Cụ thể, TPHCM đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định; cấp mới dự án đầu tư còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày.

Một “chiếc đũa thần” khác mà thành phố nên vận dụng tối đa, theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, là từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 thiết lập cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư.

Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, sớm chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn. Đồng thời, tạo được quỹ đất công nghiệp “sạch”, nhất là cho các nhà đầu tư “đại bàng” cần diện tích lớn với chi phí thuê đất hợp lý, có tính cạnh tranh với các địa phương lân cận.

Trong đó, cần xem xét bố trí ưu tiên diện tích các khu công nghiệp mới hoặc thí điểm chuyển đổi, tái cơ cấu lại các khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động như Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu. Có như vậy mới tạo điểm đến phù hợp cho doanh nghiệp, phát huy tối đa chính sách thu hút đầu tư và gia tăng kích cầu cho thị trường.

Ông TRẦN PHÚ LỮ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM:

Nhiều ưu đãi vượt trội thu hút đầu tư FDI

TPHCM đang áp dụng 4 hình thức ưu đãi chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Một là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 năm hoặc không quá 30 năm. Hai là miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất. Ba là miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.

Thành phố sẽ miễn giảm tiền thuê trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm, đồng thời sau thời gian xây dựng miễn từ 15 năm đến 19 năm tùy từng loại dự án. Bốn là ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Trong đó, thời gian trích khấu hao tài sản cố định từ 5 đến 20 năm với phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng.

Ngoài ra, thành phố còn có cơ chế đặc biệt cho các nhà đầu tư nếu tham gia vào các dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch với tổng mức đầu tư 120 triệu USD trở lên. Đặc biệt, với dự án công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có vốn đầu tư 1,23 tỷ USD trở lên.

Ông NGUYỄN QUANG THANH, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC):

Sẵn sàng “bơm” vốn cho doanh nghiệp

UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 42 về việc hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và giao Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM gấp rút triển khai. Cùng với đó, TPHCM đã bố trí nguồn vốn lên đến 1.500 tỷ đồng để thực hiện chương trình này.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ được vay vốn lên đến 200 tỷ đồng/dự án và được hỗ trợ lãi suất vốn vay lên đến 100% trong vòng 7 năm. Hiện HFIC đã phối hợp với Sở Y tế và UBND TP Thủ Đức phổ biến chương trình kích cầu đầu tư cho gần 500 doanh nghiệp.

Trong tháng 11 tới, HFIC tiếp tục phối hợp với Sở Công thương và Sở GD-ĐT TPHCM để tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp 4 ngành công nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, đơn vị giáo dục.

Về phía HFIC cũng đã nhận được rất nhiều hồ sơ chờ vay vốn của doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là TPHCM sớm ban hành quyết định thành lập 2 tổ thẩm định chuyên ngành do Sở KH-ĐT và Sở Công thương làm đầu mối để sớm “bơm vốn” ra nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục