UBND TPHCM giao các doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp (10 triệu đồng/tháng), phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Thành phố nghĩa tình
Gần nửa thế kỷ nay, kể từ sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), TPHCM không chỉ là thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo mà còn là thành phố nghĩa tình, cùng cả nước, vì cả nước.
Không chỉ là trung tâm lớn về nhiều mặt, đầu tàu trong kinh tế, văn hóa…, TPHCM còn là nơi khởi nguồn các phong trào xã hội, như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chi viện chia sẻ với các vùng căn cứ kháng chiến cũ đang gặp khó khăn…
Nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, mới đây, TPHCM chủ trương vận động nguồn lực xã hội, trước hết là doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, hỗ trợ chăm lo đời sống thương binh, bệnh binh. Đây thực sự là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Việc làm nhân văn thiết thực
Hiện nay, TPHCM có 52.411 liệt sĩ và 4.610 thân nhân liệt sĩ hưởng tuất theo quy định; 27.596 thương binh, trong đó có 13.027 thương binh hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong số 13.027 thương binh này, có 1.708 thương binh nặng (tỷ lệ thương tật từ 61%-80%) và 102 thương binh đặc biệt nặng (tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên).
Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên những tổn thương, mất mát, những đau đớn về thể xác, kiên cường và nỗ lực hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập…, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng là những công dân kiểu mẫu, là tấm gương sáng cho cộng đồng, xã hội noi theo.
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta, trực tiếp là Thành ủy, UBND TPHCM, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng nhưng cuộc sống của nhiều thương binh, bệnh binh, đặc biệt thương binh nặng và thân nhân liệt sĩ, vẫn còn nhiều khó khăn.
Do vậy, chủ trương vận động hỗ trợ ngoài chế độ chính sách của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh (mỗi trường hợp 2 triệu đồng/tháng), rất có ý nghĩa với những người đã có công với đất nước.
Không chỉ là chủ trương, Chủ tịch UBND TPHCM còn giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Sở LĐTB-XH triển khai thực hiện. Nguồn tài trợ (từ các doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ) phấn đấu duy trì đến năm 2030.
Trong cuộc gặp mặt thương binh nặng do Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 phối hợp với Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ vừa qua, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, đã chia sẻ: “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM và các anh chị đã thực hiện tốt việc tri ân những anh hùng liệt sĩ, như tìm kiếm thông tin liệt sĩ, hỗ trợ đưa hài cốt liệt sĩ về quê, xây dựng đền thờ, bia ghi danh, tưởng niệm liệt sĩ. Đó là nghĩa cử cao cả với những người con ưu tú đã hy sinh vì đất nước. Việc hỗ trợ thương binh, bệnh binh, đặc biệt thương binh nặng, là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn đối với những người đã hiến một phần cơ thể và tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Thành ủy, UBND và các ban ngành, đoàn thể TPHCM đồng thuận chủ trương và sẽ đồng hành với hội”.
Từ suy nghĩ đến hành động, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo quyết liệt để ban hành công văn số 5133/UBND-KT đúng dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh và 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nơi gởi gắm niềm tin
Trong công văn số 5133/UBND-KT ban hành ngày 4-9-2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Số tiền hỗ trợ xin gửi về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, địa chỉ số 999 đường Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, số tài khoản…; thông tin liên hệ Chủ tịch Hội và kế toán…”. Đây là chỉ đạo rất cụ thể để chủ trương nghĩa tình này sớm đi vào cuộc sống.
Ý kiến chỉ đạo tại công văn số 5133/UBND-KT cho thấy Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM là địa chỉ đáng tin cậy để lãnh đạo TPHCM gửi gắm niềm tin và trách nhiệm; góp phần hỗ trợ chăm lo các gia đình chính sách, trong đó có thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Điều đó chứng tỏ rằng chủ trương đổi mới phương thức hoạt động tri ân, hỗ trợ người có công của hội, với sự tư vấn đặc biệt quan trọng của Tổ Tư vấn (đứng đầu là Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Phần còn lại là trách nhiệm, là tình cảm của các doanh nghiệp và sự tiếp nhận, quản lý, giải ngân của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, để công văn số 5133/UBND-KT sớm đi vào cuộc sống; thể hiện nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM với những người con trung hiếu đã hy sinh một phần thân thể vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.