Tăng 100 tỷ đồng chăm lo tết
Phóng viên: Thành phố vừa trải qua cơn “bạo bệnh” do đại dịch Covid-19 gây ra. Giờ đây, Tết 2022 đã cận kề, thành phố có giải pháp gì trong chăm lo tết cho người dân?
Giám đốc LÊ MINH TẤN: Chúng ta trải qua năm 2021 hết sức khó khăn, đời sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Vì thế, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, TPHCM càng nỗ lực tối đa để chăm lo, chia sẻ đối với người dân, đảm bảo một cái tết an vui, đầm ấm nhất có thể đến với từng người, từng nhà. Các diện chăm lo được mở rộng, chăm lo thêm các gia đình có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tử vong; gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thân nhân tử vong vì Covid-19...
TPHCM vẫn còn gần 1,5 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được lập danh sách nhưng chưa nhận tiền hỗ trợ. Liệu việc hỗ trợ những người này có được hoàn tất trước Tết Nguyên đán 2022?
- Các quận, huyện và TP Thủ Đức đang khẩn trương hoàn tất hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 1, đợt 2, đợt 3) trước ngày 15-1-2022. Thành phố đã bố trí hơn 4.167 tỷ đồng để hoàn tất chi hỗ trợ cho người dân trong dịch Covid-19.
An sinh với người nghèo
TPHCM liên tục chi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền rất lớn nhưng vẫn còn nhiều bức xúc. Kinh nghiệm rút ra từ công tác hỗ trợ thời gian qua ra sao, thưa ông?
- Tôi rất chia sẻ với người dân thành phố đã nếm trải vô vàn khó khăn, cơ cực trong thời gian qua. Trong 3 đợt vừa qua, có gần 8,5 triệu người dân đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 9.865 tỷ đồng. Hiện còn gần 1,5 triệu người đã được thẩm định danh sách nhưng chưa nhận hỗ trợ, sẽ được hỗ trợ trước ngày 15-1-2022 như đã nói.
Thành phố đã nỗ lực rất nhiều, có đợt hỗ trợ sớm nhất cả nước và liên tục có các đợt hỗ trợ quy mô lớn. Song, đây là việc chưa từng có tiền lệ. Đời sống và nhất là các biến cố, đều không có một công thức sẵn cho chúng ta ráp khuôn. Vì thế, tất cả chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Hạn chế trong đợt hỗ trợ là việc triển khai rà soát, thống kê, lập danh sách còn lúng túng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ban đầu còn quá tải, hệ thống cũng chưa thể lọc hết các diện bị trùng lặp… Quy mô hỗ trợ rất lớn, lên tới hàng triệu người, trong khi thời gian để làm tất cả các khâu hỗ trợ rất ngắn, chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Do vậy, việc sai sót, trùng lắp trong quá trình xác định đối tượng được hỗ trợ là có xảy ra, không tránh khỏi; tuy nhiên, số lượng sai sót không nhiều và các địa phương đều đã chủ động thực hiện ngay biện pháp rà soát, thu hồi đối với các trường hợp trùng lắp. Đến nay cũng chưa phát hiện trường hợp trục lợi hỗ trợ. Những bài học này đã được chỉ ra để rút kinh nghiệm và TPHCM sẽ cải thiện, áp dụng mạnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chăm lo an sinh cho người dân.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng nghèo hóa, tái nghèo của một bộ phận người dân do dịch Covid-19? TPHCM đảm bảo an sinh, hỗ trợ các trường hợp này ra sao?
Dịch Covid-19 tác động đã khiến số hộ nghèo, cận nghèo tại TPHCM gia tăng. Qua khảo sát vào đầu tháng 10-2021, tổng hộ nghèo, cận nghèo là hơn 58.000 hộ (chiếm gần 2,3% tổng hộ dân TPHCM), gồm gần 37.800 hộ nghèo và hơn 20.200 hộ cận nghèo. Số hộ nghèo và cận nghèo ở thành phố đã tăng gần 4.200 hộ so với đầu năm.
Việc hỗ trợ tiền mặt như thời gian qua chỉ là cứu nhau lúc ngặt, còn giúp nhau thoát nghèo thì cần đồng bộ rất nhiều chính sách. Giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống sau đại dịch Covid-19, TPHCM tiếp tục hỗ trợ vốn ưu đãi, các chính sách hỗ trợ học phí, tặng học bổng cho con em hộ nghèo đến trường. Đặc biệt là đẩy mạnh dạy nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thành viên hộ nghèo, cận nghèo… Bởi việc làm chính là “cần câu” và cũng chính là an sinh tốt nhất, bền nhất đối với người nghèo, giúp họ có cơ hội tự vươn lên thoát nghèo.