Động thái kiến nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho các vận động viên của thành phố đoạt huy chương vàng ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng cho thấy sự sâu sát của cơ quan quản lý đối với những đóng góp của các tuyển thủ ở những giải đấu trong nước lẫn quốc tế.
Trên thực tế, chế độ ưu đãi đặc biệt được TPHCM áp dụng suốt nhiều năm qua. Theo đó, các vận động viên giành huy chương vàng thế giới, châu Á hay SEA Games sẽ được hưởng chế độ kinh phí chi bổ sung (tính từ giải đấu vừa giành thành tích cao đến giải đấu tương đương kế tiếp) để qua đó tăng thêm thu nhập, đáp ứng được điều kiện sinh sống đặc thù của đô thị hàng đầu quốc gia.
Dù hiện tại các chương trình kiểu như đào tạo thế hệ vàng cho từng môn trọng điểm không còn được triển khai do yếu tố kinh phí, nhưng có thể nói TPHCM luôn có những chuyển biến tích cực trong công tác chăm lo cho thể thao, đặc biệt là mảng thể thao thành tích cao, giúp bản thân vận động viên cũng như gia đình cảm thấy yên tâm khi chấp thuận cho con em mình theo đuổi sự nghiệp.
Đơn cử như ở đợt khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM hồi cuối tháng 5 đã tập trung nhiều vào hệ thống các trường năng khiếu TDTT và trung tâm đào tạo, huấn luyện - nơi được xem là chắp cánh cho các tài năng bay cao, vươn xa.
Kết luận của đoàn khảo sát vẫn đi đến đề xuất tiếp tục các chế độ dinh dưỡng và chính sách đặc thù theo Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND của HĐND TPHCM. Trong điều kiện mà ngân sách đầu tư cũng như một số cơ chế dành cho cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn khó khăn khi triển khai, thì giải pháp vừa ngắn hạn, vừa dài hạn vẫn phải tăng thêm sự quan tâm đến đời sống của các tuyển thủ để bảo đảm duy trì vị thế hàng đầu của thể thao thành phố trong tỷ trọng đóng góp với thể thao nước nhà nói chung.
Thành công của thể thao TPHCM tại 2 kỳ SEA Games 31, 32 vừa qua cho thấy tính đúng đắn của các quyết sách trên. Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, trong đó có thông qua hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thể thao - văn hóa, đây chính là một lối ra đầy triển vọng cho ngành TDTT thành phố. Do đặc thù của đô thị “đất chật, người đông”, các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư cho thể thao chiếm tỷ trọng rất thấp trong hoạt động kinh tế chung, nên thể thao thành phố luôn ở trong tình trạng “khát” kinh phí, đặc biệt là khả năng tự thu - chi bằng chính các hoạt động kinh doanh thể thao thuần túy không quá nhiều.
Nếu việc hợp tác công tư được khai thông trong riêng lĩnh vực thể thao, cơ hội để huấn luyện viên, vận động viên thành phố gia tăng thu nhập, thúc đẩy được động lực tập luyện và thi đấu, triển khai được các chương trình đào tạo chuyên sâu và đặc biệt là thu hút được chất xám từ bên ngoài… thì sự phát triển của thể thao thành phố trong tương lai sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân TPHCM đối với ngành TDTT có thể nói như một dòng chảy xuyên suốt qua hàng chục năm, và điều này được thể hiện rất rõ ràng ở bảng vàng thành tích thi đấu mà các môn thế mạnh như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng chuyền, xe đạp, võ thuật, cầu lông, bóng đá, futsal… đã vun đắp cho hình ảnh và danh tiếng của TDTT TPHCM.
Vì vậy, nâng cao hơn nữa sự quan tâm thông qua các chính sách, cơ chế đầu tư hoặc khen thưởng, bồi dưỡng chính là bước đi mang tính chiến lược, lâu dài dành cho TDTT - một trong những lĩnh vực đã góp phần xây dựng nên một TPHCM năng động, sáng tạo, nghĩa tình… cùng cả nước và vì cả nước!