Tại buổi làm việc, đại biểu Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đặt vấn đề về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, đại biểu cho rằng, với tỷ lệ giải ngân của thành phố còn khiêm tốn, liệu có vướng mắc gì ở cấp Trung ương, các bộ, ngành hay không?
Cùng với đó, ngoài những việc phối hợp mà TPHCM đang thực hiện, thì cần có kiến nghị gì về giải pháp hỗ trợ, để thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trên địa bàn.
Liên quan nội dung này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, về giải ngân đầu tư công, chủ yếu số vốn chưa giải ngân được do một số vướng mắc trong Luật Đấu thầu và vấn đề điều chỉnh quy hoạch.
Cùng với đó, là vướng mắc khi Luật Đất đai có hiệu lực phải áp dụng giá bồi thường mới, như ở dự án rạch Xuyên Tâm và dự án bờ Bắc kênh Đôi…
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, một số vướng mắc không thuộc thẩm quyền của TPHCM mà phải các cơ quan Trung ương hỗ trợ giải quyết, như dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng.
Hiện TPHCM đã bóc tách ra các nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố để giải quyết, như điều chuyển vốn qua các dự án giải ngân tốt; giảm 30% thủ tục hành chính với các thủ tục về giải ngân đầu tư công.
Trường hợp TPHCM giải quyết đồng bộ và toàn bộ các nội dung trên thì dự kiến tháng 10-2024, TPHCM giải ngân được 38,4%, tháng 12-2024 giải ngân được 85,9%...
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cho biết thêm, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM khả quan; tăng trưởng quý III cao hơn quý II, nhưng vẫn còn một số khó khăn như dòng tiền vào thị trường, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, vốn FDI giảm…
Do đó, cần sự quyết tâm cao hơn của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, UBND TPHCM có một số kiến nghị đối với một số nội dung cụ thể. Đơn cử, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Đối với dự án đường Vành đai 3, kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (đi trùng với đường Vành đai 3) để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi dự án đường Vành đai 3 TPHCM đưa vào khai thác năm 2026.
Đối với Nghị quyết 131/2020/QH14 về chính quyền đô thị tại TPHCM, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội cho phép đăng ký đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội nội dung dự án Luật Đô thị đặc biệt (trong đó có quy định đô thị đặc biệt cho thành phố).
Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị Quốc hội ủng hộ các cơ chế đặc thù dự kiến đối với các nội dung dự kiến báo cáo Quốc hội về Vành đai 4; Đề án Đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế…