Chính vì vậy, một thành phố lớn như TPHCM rất cần có nhà hát giao hưởng đạt chuẩn quốc tế để phục vụ công chúng trong nước và ngoài nước, để nghệ sĩ có nơi phát triển tài năng, giao lưu hội nhập, vươn tầm ra thế giới.
Lịch sử phát triển
Trong lịch sử khí nhạc Việt Nam, âm nhạc giao hưởng mới hình thành từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Trên con đường phát triển, như một quy luật chung, những thành tựu của âm nhạc thế giới đã được các nhạc sĩ kế thừa, vận dụng một cách sáng tạo và có chọn lọc. Chính vì vậy, nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Khoảng năm 1945, nền âm nhạc giao hưởng - thính phòng nước ta ra đời ở Hà Nội.
Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam ra đời với dàn nhạc chính quy và biểu diễn những tác phẩm tầm cỡ như: giao hưởng 40 và 41 của Mozart, giao hưởng số 1 và số 6 của Beethoven, giao hưởng “Bỏ dở” của Schubert, giao hưởng số 9 của Dvorak, giao hưởng số 5 và 6 của Schaikovsky… Không những vậy, Nhà hát lớn Hà Nội còn là nơi lần đầu tiên vang lên những tác phẩm của các tác giả Việt Nam như: giao hưởng số 1 “Quê hương” của Hoàng Việt, thơ giao hưởng “Thành đồng Tổ quốc” của Hoàng Vân, độc tấu violon và dàn nhạc “Chim ưng” của Đàm Linh, Overture “Tình yêu và chiến thắng” của Nguyễn Đình Tấn, nhạc kịch “Cô Sao” của Đỗ Nhuận, nhạc kịch “Bên bờ sông Krong-pa” của Nhật Lai… Tất cả các tác phẩm Việt Nam đều do chỉ huy, nhạc công và dàn nhạc Việt Nam biểu diễn.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều tên tuổi đóng góp cho nền giao hưởng - thính phòng nước ta. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với các tác phẩm Ngày hội non sông độc tấu sáo trúc và bộ gõ, Rhapsodie số 2 cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng, Trở về đất mẹ cho violoncelle và piano... Đặc biệt là giao hưởng thơ Đồng khởi của tác giả Nguyễn Văn Thương đã từng trình diễn lần đầu tại Leipzig (Đức - năm 1971)... Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với các tác phẩm Cô Sao, Du kích sông Thao, Điện Biện, Đimit’rov. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn với Lửa thử vàng, Cây đuốc sống, Toàn thắng về ta, Đôi cánh diệu kỳ... Nhạc sĩ Hoàng Việt với Bản giao hưởng số 1. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần với tác phẩm Người giữ cồn...
Cùng với đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ qua nhiều thế hệ đã tạo nên chặng đường phát triển, chúng ta tự hào với nền giao hưởng thính phòng Việt Nam đã có thế hệ đặt nền móng và thế thệ kế thừa phát huy.
Nhu cầu và văn minh xã hội
Nước ta từ sau năm 1975 đến nay đào tạo được rất nhiều nghệ sĩ âm nhạc xuất sắc ở các chuyên ngành khác nhau. Đặc biệt ở TPHCM, đội ngũ nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, đã tích cực góp phần phát triển nhiều phong trào âm nhạc trên cả nước.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ vốn kiến thức cơ bản âm nhạc rất yếu, không đủ điều kiện để phát triển và tiếp thu chuyên môn. Trong khi đó, dòng nhạc giao hưởng - thính phòng đòi hỏi rất cao về kiến thức tổng hợp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng biểu diễn; một số nhạc sĩ viết “không nổi” phần đệm bài hát của chính mình. Tôi là người gần như chọn giao hưởng làm sự nghiệp, cùng với đồng nghiệp xây dựng, mong góp phần phát triển dòng nhạc hàn lâm này nên rất buồn và bất an.
Ở TPHCM, Nhạc viện TPHCM là cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Tôi rất mong các hội chuyên ngành nên mở nhiều lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn cho anh em nghệ sĩ. Ở nước ngoài không chỉ đào tạo người nghệ sĩ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn mà còn đào tạo cả người nghe nhạc, người thưởng thức nghệ thuật. Tôi nghĩ lãnh đạo TPHCM nên quan tâm đến dân trí và phát triển dân trí. Thành phố nên đưa các loại hình nghệ thuật đỉnh cao đến với mọi từng lớp nhân dân. Điều mà những năm qua, đồng nghiệp tôi kêu gọi, đó là đưa âm nhạc cổ điển vào giảng dạy ở trường phổ thông... nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được.
Dù là giao hưởng, nhưng tác phẩm của tôi viết bao giờ cũng có nhạc cụ dân tộc, các làn điệu âm nhạc dân gian của 3 miền, ngay cả làn điệu ru con... Với tôi, nó dễ gần với công chúng nước ta và là nét đặc trưng của dòng nhạc giao hưởng nước ta khi hội nhập quốc tế.
Trước thời kỳ lãng mạn, hầu hết các nhạc sĩ đều chưa quan tâm đến tính dân tộc trong âm nhạc. Đến thời kỳ lãng mạn, xu hướng dân tộc dần xuất hiện, các nhạc sĩ thường tìm cách đưa dân ca của dân tộc mình vào trong mỗi tác phẩm của họ. Nhạc sĩ Antonin Dvorak đã khai thác thành công khi đưa các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc ông (Tiệp Khắc) như furiant, dumka… vào giao hưởng và thính phòng. Nhạc sĩ Frederic Chopin cũng thành công trong việc đưa tiết tấu, giai điệu của âm nhạc dân gian Ba Lan vào tác phẩm, tạo ra dòng nhạc đậm chất dân tộc có giá trị về sau. Ở Việt Nam, dòng nhạc truyền thống, dòng nhạc dân gian luôn kích thích nguồn cảm xúc cho người sáng tác. Bởi dòng nhạc ấy đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi con người, qua lời ru của mẹ, các điệu hát, điệu hò gần gũi trong đời sống…
Tôi luôn có tâm niệm: Dù sự thấu hiểu ấy sâu rộng đến đâu thì ta cũng khó sánh nổi với người tây nói tiếng tây. Để có được tác phẩm của “Ta”, “Ta” nghe của “Ta” thấy gần gũi thích thú và “Tây” nghe của “Ta” cũng phải thấu hiểu, cảm phục. Chẳng có gì hơn là phải tìm cách đưa vào tác phẩm giao hưởng cái hồn của dân tộc mình, nói bằng tiếng nói, cảm xúc của mình. Nhưng sự tiếp thu phải có sáng tạo, biến cái của người thành của mình, biến nó thành phương tiện diễn đạt nội dung, hình tượng nghệ thuật mà tác giả muốn miêu tả, diễn đạt âm nhạc bằng ngôn ngữ của mình.