Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1 giờ ngày 3-11-2017 cho đến khi có lệnh mới.
Theo công điện, thực hiện Công điện số 84/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Công văn khẩn số 6856/UBND-KT ngày 1-11 của UBND TPHCM về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông; để đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu nhà hàng, tàu cánh ngầm và tàu du lịch hoạt động trên sông, trên biển và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của Bão số 12 gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP yêu cầu: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo. Đồng thời, các đơn vị phải yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản.
Sở Giao thông Vận tải TP, Cảng vụ Hàng hải TP và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1 giờ, ngày 3-11 cho đến khi có lệnh mới. Sở cũng thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của Bão số 12 để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này.
Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP và Công an TP sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.
Công an TP, Sở Giao thông Vận tải và Cảng vụ Hàng hải TP chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa; đồng thời yêu cầu các phương tiện nhanh chóng cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn.
Theo Bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 3- 11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13-14, biển động rất mạnh.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.