Giảm chi phí đầu tư cho khách hàng
Ngày 31-10-2017, nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của 190 nền kinh tế trên thế giới (báo cáo Doing Business 2018), trong đó có kết quả đánh giá về chỉ số tiếp cận điện năng. Theo đó, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế. Đây là mức cải thiện thứ bậc xếp hạng cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Tổ chức này cũng đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực ASEAN.
Đánh giá về các tín hiệu tích cực này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng có rất nhiều ý nghĩa, bởi “điện đi trước một bước” tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Minh Phong, nếu có dịch vụ tốt, chất lượng điện ổn định thì các địa phương mới thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Có thể nói, để có thành quả đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung và EVNHCMC nói riêng, đã có những cải tiến mạnh mẽ, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành lưới điện và cung ứng dịch vụ điện. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc, người phát ngôn của EVNHCMC, cho biết năm 2017, ngoài việc giải quyết thủ tục cấp điện theo “cơ chế 1 cửa”, EVNHCMC còn phân cấp cho các đơn vị điện lực khu vực quyết định đầu tư cấp điện chuyên dùng. Từ đó, các đơn vị chủ động đáp ứng nhanh hơn yêu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Đặc biệt, với khách hàng sử dụng điện có nhu cầu phụ tải lớn hơn 160kVA (trừ lĩnh vực bất động sản), EVNHCMC sẽ chủ động đầu tư trạm biến áp chuyên dùng hoàn toàn miễn phí. Khách hàng chỉ cần thực hiện thủ tục duy nhất là đăng ký cấp điện, còn EVNHCMC sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư trạm biến áp và thực hiện thủ tục cần thiết với các cơ quan chức năng. Tổng thời gian thực hiện không vượt quá 13 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đề nghị của khách hàng đến khi hoàn tất nghiệm thu, đóng điện công trình. Trong khi đó, theo khảo sát của WB năm 2016, thời gian thực hiện trung bình trên toàn quốc là 46 ngày.
Trường hợp tự đầu tư trạm biến áp, khách hàng chỉ cần thực hiện 2 thủ tục với ngành điện là thỏa thuận cung cấp điện và nghiệm thu đóng điện. Tổng thời gian giải quyết các thủ tục không quá 8 ngày làm việc; trong đó, ngành điện không quá 3 ngày và các cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng không quá 5 ngày.
Trong quá trình thi công xây dựng trạm biến áp, thay vì chờ kế hoạch cắt điện, EVNHCMC ưu tiên áp dụng biện pháp thi công trên đường dây đang mang điện (live-line) trong việc đấu nối cấp điện, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.
Hoàn thiện quy trình liên thông thủ tục
Không chỉ chủ động rút ngắn thời gian cũng như thủ tục thuộc lĩnh vực của ngành điện, EVNHCMC còn chủ động phối hợp với các sở ngành của TP đề xuất các giải pháp đổi mới thủ tục hành chính trong tiếp cận điện năng. Cụ thể, EVNHCMC đã phối hợp Sở Công thương và Sở GTVT TPHCM xây dựng thỏa thuận liên ngành về việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xây dựng công trình trạm biến áp chuyên dùng.
Theo đó, Sở Công thương bãi bỏ thủ tục thực hiện thỏa thuận phù hợp quy hoạch, chỉ bổ sung quy hoạch các công trình có tổng công suất trên 2.000kVA, chưa có trong quy hoạch được duyệt với thời gian tối đa 5 ngày (rút ngắn 5 ngày so với trước đây). Đồng thời, EVNHCMC cũng đề xuất Sở GTVT bãi bỏ thủ tục chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công đối với công trình trung thế nổi, có quy mô lắp đặt dưới 2 khoảng trụ. Riêng công trình trung thế ngầm và trung thế nổi có quy mô lắp đặt mới từ 2 trụ điện trở lên, thực hiện song song việc chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công với thời gian giải quyết không quá 5 ngày làm việc (rút ngắn 15 ngày so với trước).
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, EVNHCMC đang giảm chi phí đầu tư cho khách hàng và cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng hiệu quả. Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng giai đoạn 2018-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, EVNHCMC kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ý kiến với Bộ Công thương chỉ đạo triển khai tiếp theo các nội dung có liên quan đến góp ý của UBND TPHCM tại Văn bản số 6030/UBND-KT ngày 2-10-2017 về hoàn thiện quy trình liên thông các thủ tục tiếp cận điện năng giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn TPHCM với ngành điện; đảm bảo tính minh bạch, thống nhất về thủ tục, thời gian thực hiện… để triển khai áp dụng thí điểm tại TPHCM và TP Hà Nội theo chỉ đạo của Chính phủ. Thay thế thủ tục “Thỏa thuận đấu nối” theo quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18-11-2015 bằng việc ngành điện sẽ chủ động ban hành văn bản “thỏa thuận cấp điện” (trong đó vẫn thể hiện rõ nội dung quy mô công trình, ranh giới đo đếm, ranh giới đầu tư để khách hàng nắm rõ khi triển khai thực hiện công trình) nhằm giảm thủ tục và thời gian thực hiện cho khách hàng…
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ vào giữa năm 2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cho biết, chủ trương nhận đầu tư TBA cho khách hàng của EVNHCMC đã giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đầu tư hiệu quả. Và việc thực hiện miễn phí trong tiếp cận điện năng có rất ít nước thực hiện được.
Trong năm 2017, EVNHCMC đã cấp điện cho 1.011 công trình trạm chuyên dùng với thời gian giải quyết bình quân 4,47 ngày về thủ tục ngành điện, thấp hơn 0,53 ngày so với chỉ tiêu Tập đoàn điện lực Việt Nam và thấp hơn 1,27 ngày so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách hàng đầu tư 459 trạm, số ngày giải quyết bình quân của ngành điện là 3,69 ngày; ngành điện đầu tư 552 trạm, số ngày giải quyết bình quân của ngành điện là 5,13 ngày.