Đối với trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đầu tư, có 20 làn thu phí. Theo giấy phép đầu tư, trạm có thời gian thu phí là 30 năm, kết thúc vào tháng 4-2028 (không thu phí ô tô dưới 9 chỗ). Mục đích thu phí để duy tu, bảo trì tuyến đường Nguyễn Văn Linh; nếu sử dụng không hết doanh thu từ thu phí, phần dư để lại doanh nghiệp 30% và TPHCM 70%. Do thời gian thu phí còn lại ngắn, trong khi đầu tư hệ thống ETC chi phí cao và giá thu phí thấp nên Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đề nghị cho phép không lắp đặt trạm thu phí ETC và chỉ thu phí thủ công.
Tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư, có 8/18 làn thu phí ETC. Chủ đầu tư kiến nghị không nâng cấp các làn thu phí còn lại sang hình thức thu phí ETC. Lý do là 8 làn thu phí ETC hiện nay đáp ứng đủ năng lực lưu thông với 362.880 lượt xe/ngày, trong khi lưu lượng xe thực tế chỉ 24.000 lượt xe/ngày, chỉ đạt 6,6% công suất. Trong khi đó, thời gian thu phí chỉ còn khoảng 4 năm, kết thúc vào tháng 4-2026.
Về những đề xuất nêu trên, UBND TPHCM đã yêu cầu trạm thu phí cầu Phú Mỹ phải đóng 8 làn thu phí thủ công, chỉ khai thác 8 làn thu phí ETC (100% thu phí ETC), đồng thời đảm bảo năng lực thông hành, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại trạm.
Đối với trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, cho phép tiếp tục thu theo hình thức hiện nay cho đến khi kết thúc thời gian thu phí. Đối với trạm thu phí xa lộ Hà Nội, UBND TPHCM yêu cầu phải lắp đặt hoàn chỉnh 8 làn thu phí ETC; trạm thu phí dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu phải hoàn chỉnh toàn bộ 6 làn thu phí ETC trước khi đưa vào hoạt động; trạm thu phí An Sương - An Lạc phải hoàn chỉnh 4 làn ETC còn lại.