Cụ thể, tuần qua, thành phố ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh SXH, giảm 8,6% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 2,5% và số ca ngoại trú giảm 13,1%. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 7.584 trường hợp mắc SXH, giảm 19,7% so cùng kỳ năm 2022 (9.439 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) có sự gia tăng, với 157 ca mắc trong tuần, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.670 ca.
Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 231 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2, được Bộ Y tế công bố giảm 55% so với tuần 20 (516 ca). Tính từ đầu năm đến 28-5, TPHCM đã ghi nhận 4.858 ca xác định.
Theo HCDC, trong tuần qua, qua giám sát điểm nguy cơ SXH, HCDC đã phát hiện có 10/16 điểm có lăng quăng (tại quận 1, 8, 11 và huyện Nhà Bè), đơn vị đã làm việc với UBND phường xã có liên quan để xử lý và báo cáo về Sở Y tế để thông tin cho UBND quận huyện biết để chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống SXH trên địa bàn.
Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 13, trong tuần này, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ triển khai lễ phát động chiến dịch hưởng ứng; HCDC tiếp tục tăng cường giám sát các điểm nguy cơ, hoạt động phòng chống SXH tại các địa phương.
Cùng ngày, HCDC cho biết, Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt 1 năm 2023 cho trẻ từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi trên địa bàn TPHCM sẽ được triển khai trong 2 ngày 8, 9-6 và tổ chức uống vét kết thúc trước ngày 18-6. Ngoài ra, chiến dịch cũng triển khai cho trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi có nguy cơ thiếu Vitamin A.
Cụ thể, trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 59 tháng và 29 ngày tuổi; trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 35 tháng và 29 ngày tuổi; trẻ em từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 11 tháng và 29 ngày tuổi. Phụ huynh có con trong độ tuổi trên hãy đưa trẻ đi uống bổ sung vitamin A liều cao tại các địa điểm như: Trạm y tế, trường học, bệnh viện, trung tâm có khoa nhi hoặc một số điểm uống tại phường xã phù hợp và thuận tiện cho phụ huynh trên địa bàn thành phố.
Theo HCDC, trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A là trẻ có một trong các tình trạng như: tiêu chảy kéo dài, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm sởi, suy dinh dưỡng nặng. Vitamin A là vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hàng năm, trẻ sẽ được uống vitamin A liều cao theo chiến dịch trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12).