Hơn 50 trường trung cấp, cao đẳng và đại diện các doanh nghiệp đã tham dự.
TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) cho biết, xanh hóa đào tạo nghề là một khái niệm khá mới ở nước ta. Việt Nam đang định hướng các chiến lược và chính sách phát triển bền vững gắn với việc xanh hóa toàn diện. Trong phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh, vai trò của giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng, bằng cách đào tạo, xây dựng một đội ngũ lao động có năng lực đáp ứng tốt các yêu cầu của xanh hóa nền kinh tế.
Theo TS. Trương Anh Dũng, chính người lao động có tay nghề là những người sử dụng năng lượng và tài nguyên tại nơi làm việc một cách hiệu quả và ngăn chặn các rủi ro, thiệt hại cho môi trường. Cũng chính lực lượng lao động có tay nghề là những người cần có, để sản xuất và áp dụng đúng cách các công nghệ thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng HVCT cho biết, yếu tố xanh được lồng ghép vào các chương trình đào tạo và xanh hóa khuôn viên trong nhà trường. Đặc biệt, trường có chương trình đào tạo nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải”, một nghề phục vụ trực tiếp cho tăng trưởng xanh, theo mô hình hợp tác giữa nhà trường và 6 doanh nghiệp thoát nước.
Xác định xanh hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp là khái niệm mới, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần cụ thể hóa các nội dung xanh hóa vào trong môi trường dạy và học, từng bước thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên và sinh viên, học sinh. Tháng 7-2018, Sở sẽ tập huấn cho toàn bộ lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP để tiếp cận vấn đề này.