Ngày 6-4, ông Nguyễn Ngọc Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc - một trong bốn đơn vị chịu trách nhiệm tiêu hủy container phế liệu tồn đọng tại cảng Sài Gòn cho biết, công ty hiện đang tiếp nhận và xử lý từ 1 container đến 1,5 container phế liệu loại 20 feet /ngày.
Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Châu, thành phần phế liệu trong các container rất hỗn hợp. Trong đó, có số ít nhựa tái sinh, còn lại là nhựa sử dụng một lần không tái sinh được.
Thông thường, các doanh nghiệp nhập khẩu loại container phế liệu này sẽ tiến hành sàng lọc, chọn những loại nhựa có khả năng tái chế để sử dụng. Số lượng còn lại sẽ chuyển giao dưới dạng rác thải công nghiệp hoặc đổ bỏ ra môi trường, gây nguy hại chất lượng môi trường.
Hiện để xử lý loại rác này, công ty sử dụng công nghệ đốt nhiệt độ cao khoảng trên dưới 1.000 độ C, chuyên sử dụng để xử lý chất thải nguy hại. Công nghệ xử lý đốt này có kết hợp thu và xử lý khí thải nên đảm bảo an toàn cho môi trường.
Riêng về tro xỉ thải sau khi đốt sẽ được công ty xử lý hoá rắn, đóng thành gạch viên để cung ứng cho thị trường. Hiện tùy thuộc vào thành phần phế liệu chứa trong các container mà chi phí để xử lý giao động từ 65 triệu đồng trở lên/container loại 20 feet và sẽ do các hãng tàu chi trả.
Hình thức tiêu hủy là ép, xay cắt, sau đó đốt trong lò đốt 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải hoặc lò đốt chất thải công nghiệp. Trước đó, những hãng tàu này đã ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xử lý rác thải và môi trường, đồng thời phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.