Theo đó, các sở, ban, ngành tuân thủ đúng quy định pháp luật, thực hiện trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Việc phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức, cá nhân, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập và quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập; triển khai thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hoạt động đúng quy định.
Phương thức phối hợp được thực hiện thông qua trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin bằng văn bản, thư điện tử; tổ chức các cuộc họp liên ngành định kỳ, đột xuất, tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết; tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Khi phát sinh công việc cần phối hợp, bên yêu cầu phối hợp đề nghị cử nhân sự tham gia phối hợp. Trường hợp bên được đề nghị phối hợp không cử được nhân sự tham gia phối hợp theo yêu cầu thì phải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do.
Đối với các yêu cầu phối hợp đột xuất, để đảm bảo kịp thời công tác, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có thể trao đổi trực tiếp thông qua gặp gỡ, điện thoại, gửi thư công vụ, nhưng sau đó phải thực hiện bằng văn bản.
Các sở, ban, ngành tổ chức ký kết liên tịch, phối hợp nhiều bên, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia ký kết.
Các sở, ban, ngành, Cục Thuế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TPHCM, UBND quận, huyện khi giải quyết vấn đề liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn thuộc thẩm quyền của mình, có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị khác, nhất thiết phải lấy ý kiến cơ quan, đơn vị đó.
Cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời và phải chịu trách nhiệm về ý kiến của đơn vị mình. Việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức tổ chức họp, hình thức công văn hoặc hình thức khác do cơ quan, đơn vị chủ trì quyết định.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết, thủ trưởng sở, ban, ngành, Cục Thuế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TPHCM, UBND quận, huyện phải chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan, trình UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM xem xét, quyết định.
Đối với các công việc cần thiết phải ban hành các quy trình liên thông, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Cục Thuế TPHCM, Bảo hiểm Xã hội TPHCM, UBND quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Sở GD-ĐT TPHCM có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình liên thông phối hợp, trình UBND TPHCM.
Quyết định nói trên được ban hành dựa theo đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, kịp thời xử lý, chấn chỉnh sai phạm.