Chiều 11-3, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì buổi làm việc duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở GD-ĐT TP. Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành trên địa bàn TP.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP đã kiến nghị hàng loạt chính sách liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên.
Cụ thể, Sở GD-ĐT TP kiến nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, phù hợp với Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, nhất là giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật...
Sở GD-ĐT TP cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
Ngoài ra, Sở này cũng kiến nghị UBND TP sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu công nghiệp - khu chế xuất. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2019 - 2020 kết thúc chậm, các địa phương khó khăn trong thống kê giờ công nên đề xuất thực hiện chế độ bị chậm.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP sớm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán trường học. Trước đó, ngày 20-1-2021, Bộ GD-ĐT đã có Công văn 217/BGDĐT-NGCBQLGD trả lời UBND các tỉnh, thành phố về tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị dựa trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, hoàn thiện đề án vị trí việc làm, qua đó xác định số lượng người làm việc và nhu cầu cần tuyển, UBND tỉnh, thành phố xem xét, quyết định việc tuyển dụng và bố trí nhân viên trường học, đảm bảo không tăng tổng biên chế được giao. Đây được xem là một trong những hướng tháo gỡ nhằm giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác tuyển dụng.
Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, hiện nay nhiều chủ đầu tư muốn phát triển các dự án xây dựng trường ngoài công lập nhưng vướng quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhiều trường đã hoạt động hơn 20 năm, đến nay sắp hết thời hạn thuê nhà. Nếu tìm đất khác tiếp tục mở trường lại vướng quy hoạch sử dụng đất.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, hệ thống các trường ngoài công lập nhằm chia sẻ gánh nặng, hỗ trợ các trường công lập tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT TP đề xuất các sở, ngành nghiên cứu phương án tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thuê đất sử dụng lâu dài, cam kết mục tiêu sử dụng đất cho giáo dục mở trường để chia sẻ áp lực sĩ số với trường công.
Đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết, Quyết định 02/2003/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo TP đến năm 2020 do UBND TP ban hành quy định rõ, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho giáo dục là 1.932ha. Tuy nhiên đến nay mới chỉ quy hoạch được hơn 1.000ha. Có nơi có đất sạch nhưng thiếu vốn, có nơi vướng kho bãi hiện hữu không thực hiện được quy hoạch.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu Sở GD-ĐT TP chủ động phối hợp với UBND quận, huyện rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, làm cơ sở xây dựng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp cần sát với thực tế, mang tính khả thi, không chỉ chạy theo con số. Khi đặt chỉ tiêu tổng diện tích đất quy hoạch phải theo phân bổ cụ thể ở từng địa phương chứ không tính chung trên địa bàn rộng là toàn TP vì mỗi khu vực có đặc thù khác nhau.