Với trường hợp giáo viên lên lớp "suốt 3 tháng không nói gì với học sinh" ở huyện Nhà Bè, TS. Võ Văn Nam phân tích: "Cô giáo chỉ im lặng ở 1 lớp, còn 2 lớp kia vẫn giảng bài bình thường cho thấy hành vi không mang tính bản chất của cô giáo..."
Sáng 28-4, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức chương trình đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề “Giá trị nhân văn của giáo dục TPHCM”.
Các khách mời gồm có: Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP; ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP; TS. Võ Văn Nam, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TPHCM và ông Phạm Quang Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh (huyện Bình Chánh).
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hàng năm ngành giáo dục đều nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo chặt chẽ từ UBND TP trong việc đầu tư xây dựng phòng học, tập huấn giáo viên và thay đổi phương pháp dạy học.
Trước những sự việc đáng buồn thời gian qua, ngành giáo dục TPHCM phấn đấu khôi phục hình ảnh người thầy
Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành giáo dục TP, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM bày tỏ, TP đang đứng trước nhiều áp lực như tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngày càng tăng cao ở các quận, huyện, sĩ số học sinh /lớp cao so với quy định của Bộ GD-ĐT. Thời gian tới, bà Nhung cho rằng TP cần tập trung xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực để tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh.
Dưới góc độ tâm lý giáo dục, TS. Võ Văn Nam nhìn nhận những sự việc đáng tiếc vừa qua tuy chỉ là cá biệt nhưng là "điểm đen" che khuất những thành tựu đáng tự hào của TP khiến một số người bi quan về giáo dục. Nhìn nhận như vậy là phiến diện, không công bằng với những thành tựu của giáo dục TP.
Với trường hợp giáo viên lên lớp "suốt 3 tháng không nói gì với học sinh" ở huyện Nhà Bè, TS. Võ Văn Nam phân tích: "Cô giáo chỉ im lặng ở 1 lớp, còn 2 lớp kia vẫn giảng bài bình thường cho thấy hành vi không mang tính bản chất của cô giáo. Nếu lý do thực sự vì tin nhắn đe dọa của một học sinh "sẽ ghi âm bài giảng để tung lên mạng đánh cô giáo" cho thấy sự hoang mang trong tâm lý của cô giáo. Đáng tiếc là điều này không được lắng nghe, giải tỏa kịp thời đã khiến cô giáo tự giải quyết bằng cách tiêu cực là chui vào vỏ ốc cá nhân để cố thủ, vô tình vi phạm quyền được lắng nghe, được giao tiếp, tâm sự của học sinh. Tuy nhiên, nhờ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám có ý kiến phản biện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của HS Phạm Song Toàn và sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, "điểm đen" này đã bị đẩy lùi bởi ánh sáng tích cực của lòng tin và lẽ phải".
Ở góc độ trường học, ông Phạm Quang Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh cho biết, học sinh hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực. Áp lực phải có kết quả học tập giỏi để có việc làm tốt, áp lực từ gia đình có ít con nên đặt kỳ vọng quá lớn, áp lực thành tích từ giáo viên.
Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh nhắn gởi phụ huynh không nên đặt áp lực quá lớn lên học sinh, một mặt cho biết về phía nhà trường sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần, tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên để hạn chế tối đa những việc đáng buồn như thời gian qua.
Đối với câu hỏi của thính giả Trương Thị Hương Lan (phường 25, quận Bình Thạnh) về việc khôi phục hình ảnh người thầy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TPHCM hiện có hơn 100.000 giáo viên đang công tác. Một số trường hợp đáng tiếc vừa qua, xử lý chưa kịp thời là lỗi của người đứng đầu đơn vị. Về phía ngành giáo dục TP đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, đồng thời tăng cường các kênh giao tiếp, lắng nghe tiếng nói của phụ huynh học sinh.
Ông Hiếu cũng cho biết, đối với các giáo viên trong năm đầu tiên tuyển dụng sẽ trải qua các buổi kiểm tra, dự giờ, đánh giá. Nếu không đạt hiệu quả sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy. Đây được xem là cách sàng lọc của TP để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.
Đồng quan điểm, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, đại bộ phận giáo viên hiện nay vẫn tận tâm, yêu nghề. Để lấy lại niềm tin của xã hội, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng cường tiết học trải nghiệm để giáo dục phẩm chất, năng lực cho học sinh đáp ứng yêu cầu của thời đại mới
Trước băn khoăn của một thính giả ở quận 8, TPHCM về giảm tải áp lực học hành, thi cử, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho rằng kỳ vọng con cái vào trường học tốt của phụ huynh là kỳ vọng chính đáng, nhưng phải thực hiện đồng thời với việc tạo điều kiện cho các em vui chơi, giải trí để giải tỏa áp lực học hành. Đồng thời, phụ huynh nên hiểu năng lực con mình đến đâu, điều kiện kinh tế gia đình để có định hướng hỗ trợ con phù hợp.
TS. Võ Văn Nam nhắn nhủ, trong thời gian chờ đợi những thay đổi căn cơ hơn từ Bộ GD-ĐT, phụ huynh cần chủ động giảm tải áp lực học tập cho con, phối hợp cùng nhà trường giáo dục trẻ để đạt hiệu quả.
Đặc biệt, trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tăng số lượng tiết học trải nghiệm (3 tiết/tuần) để tăng thời lượng trải nghiệm thực tế, tăng cường đào tạo phẩm chất, kỹ năng cho người học.