Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sau gần 2 tháng thực hiện chương trình GDPT mới, bên cạnh những thuận lợi chương trình cũng bắt đầu bộc lộ một số khó khăn.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định đây là việc hết sức bình thường khi triển khai một chương trình mới. Sau gần 20 năm thực hiện chương trình GDPT năm 2000, việc đổi mới chương trình nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu tất yếu, trong đó đổi mới từ nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đến tư duy quản lý của cán bộ, hướng đến mục tiêu phát huy năng lực và phẩm chất người học.
Theo cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung, giáo viên lớp 1/6, Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), chương trình GDPT mới được Bộ GD-ĐT quy định học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, trong đó lượng kiến thức không tăng so với chương trình hiện hành mà tăng tính trải nghiệm, thực hành, vận dụng trong từng môn học và hoạt động giáo dục để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Cụ thể, chương trình không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn học. Tổ khối chuyên môn, giáo viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng khối, lớp.
Riêng đối với môn tiếng Việt, chương trình cũ quy định thời lượng dành cho môn tiếng Việt lớp 1 là 350 tiết (10 tiết/tuần), trong khi chương trình GDPT mới dành thời lượng 420 tiết (12 tiết/tuần) cho môn tiếng Việt lớp 1, tăng 70 tiết nhằm giúp cho học sinh lớp 1 sớm đọc thông viết thạo, có công cụ để học tốt các môn học khác.
Tuy nhiên, tổng số âm chữ và vần không thay đổi so với trước đây (29 chữ cái và khoảng 140 vần). Nếu tính một tuần có 5 buổi hoặc ngày học thì số tiết trung bình là 2,4 tiết/buổi hoặc ngày học. Cả 5 bộ SGK đều thiết kế thời gian dành cho học bài mới tối đa là 10 tiết/tuần (2 tiết/ngày). Cuối mỗi tuần hoặc mỗi nhóm vần đều bố trí các tiết thực hành, ôn tập hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng.
Bên cạnh những điểm tiến bộ, cô Diễm Dung cũng thừa nhận, nội dung trong các bộ sách còn nhiều chữ, số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều khiến việc khai thác hết ý nghĩa câu chuyện đối với một số học sinh còn hạn chế. Học sinh lớp 1 mới vào môi trường tiểu học, chưa biết chữ và số nên cũng tạo sự khó khăn cho các em khi tiếp nhận kiến thức, đặc biệt đối với học sinh chậm tiếp thu. Trong sách còn một vài ngữ liệu và hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng học sinh.
Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT có chủ trương giáo viên không hướng dẫn học sinh viết vào SGK để có thể tái sử dụng sách ở những năm học tiếp sau. Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học, có những hoạt động nếu học sinh làm ngay vào sách sẽ rất nhanh. Khi học sinh không được viết hoặc điền, nối trực tiếp vào sách cũng làm hạn chế phần nào hiệu quả sử dụng SGK.
Ở góc độ khác, theo cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), để triển khai thành công chương trình GDPT mới, mỗi nhà trường cần thực hiện tốt việc phân công giáo viên dạy lớp 1, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, chủ động triển khai chương trình kết hợp với việc thường xuyên góp ý, định hướng giáo viên trong dạy học, trên cơ sở phân tích kết quả dạy học (về phẩm chất và năng lực đã đạt được của học sinh) để điều chỉnh kế hoạch dạy học, lượng kiến thức cần chuyển tải, phương pháp dạy học nhằm giúp học sinh tiếp thu hiệu quả hơn.
Ngoài ra, theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, đội ngũ giáo viên cốt cán đã được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chung toàn TP. Tuy nhiên, khi về triển khai ở từng trường, các trường cần chủ động có kế hoạch bồi dưỡng lại cho giáo viên. Theo đó, giáo viên lớp 1 ngoài đòi hỏi nắm vững yêu cầu của chương trình, tình hình đối tượng học sinh trong lớp được phân công phụ trách để qua đó chủ động phân hóa đối tượng học sinh theo từng nhóm, tận dụng tối đa các phương tiện, thiết bị dạy học để triển khai hiệu quả nội dung chương trình.
Tại quận 10, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 10 cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới nên SGK đến tay phụ huynh khá trễ so với mọi năm. Vì vậy, sự nghiên cứu, chuẩn bị trước và hợp tác của phụ huynh trong giáo dục học sinh bị hạn chế.
Trước thực tế đó, phòng GD-ĐT quận 10 đã chỉ đạo hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường tiểu học thường xuyên tham dự họp tổ chuyên môn, thăm lớp, dự giờ, kiểm tra chuyên đề ở trường để đánh giá và rút kinh nghiệm cho toàn thể giáo viên. Nhờ đó, phòng GD-ĐT nhận ra điểm hạn chế của giáo viên hiện nay là còn mang nặng tư duy của phương pháp dạy học trước đây nên thấy áp lực khi triển khai chương trình mới. Quận 10 kiến nghị Sở GD-ĐT TP tiếp tục tổ chức chuyên đề dạy học cấp TP để các quận, huyện trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời sớm có định hướng giảng dạy ở lớp 2 khi triển khai chương trình GDPT mới vào năm sau.
Về phía phụ huynh, chị Võ Kim Khánh, phụ huynh có con năm nay học lớp 1, Trường Tiểu học Võ Văn Tần (quận 6) cho biết khi dạy con học ở nhà, chị thấy bé tiếp thu khá tốt chương trình, có tư duy tổng hợp kiến thức theo chủ đề. Kết quả này có được nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên trên lớp theo hướng tăng cường tương tác, tạo điều kiện cho trẻ phát huy khả năng sáng tạo.
Nhìn chung, các ý kiến tham gia thảo luận tại hội thảo đều thừa nhận muốn triển khai tốt chương trình GDPT mới phải có sự đồng hành giữa giáo viên và phụ huynh trên cơ sở tạo được sự hứng khởi học tập, không gây áp lực cho học sinh.