Sáng 23-6, phát biểu tại Hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TPHCM do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC) tổ chức, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, TP đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thí điểm mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại tại 17 trường phổ thông trên địa bàn TP.
Đến nay, thư viện tiên tiến, hiện đại đầu tiên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đây là mô hình thư viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa, phụ huynh đóng góp, ngân sách TP trả lãi vay.
Theo ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, phụ huynh hiện nay vẫn mang tâm lý e dè khi được vận động đóng góp. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi “Con tôi được thụ hưởng gì từ thư viện thông minh?”. Đáp lại băn khoăn này, nhà giáo Nguyễn Minh bày tỏ: “Để nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, trước hết cần thay đổi quan niệm giáo dục trong nhà trường”.
Cụ thể, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã áp dụng hai mô hình “lớp học trong thư viện” (học sinh đến học trực tiếp tại thư viện) và “thư viện trong lớp học” (phủ sóng wifi toàn trường để học sinh ngồi trong lớp học có thể truy cập kho tài nguyên học liệu của nhà trường), bước đầu thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về diện tích giới hạn của một thư viện trong trường phổ thông.
Ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở GD-ĐT TP cho biết, Dự án “Thư viện tiên tiến, hiện đại” là một trong hai dự án trọng điểm đã được Thường trực UBND TP giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập của TP. Hiện nay, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được hỗ trợ lãi suất vay tối đa 7 năm, tổng vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án.
Thực tế hiện nay cho thấy, tổng mức đầu tư một dự án thư viện tiên tiến, hiện đại trung bình khoảng 15 tỷ đồng kết hợp với các điều kiện hỗ trợ, ưu đãi của TP thì việc các đơn vị chủ động đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn ở tất cả cấp học.