Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, để cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trở lên, những trung tâm đầu tàu như TPHCM cùng các địa phương lớn khác phải đảm nhận trọng trách cao hơn mục tiêu của cả nước.
Đồng chí gợi mở hội nghị tập trung thảo luận 5 vấn đề lớn. Đó là các giải pháp triển khai toàn diện trên các lĩnh vực để đảm bảo tăng trưởng; đảm bảo công tác thu chi ngân sách, quản lý tài sản công; đồ án quy hoạch chung TPHCM; vấn đề liên quan thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; thu hút, đầu tư vào khu công nghệ cao TPHCM.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10% là rất thách thức với thành phố.
Giám đốc Sở KH-ĐT đề xuất nhiều nhóm giải pháp để đạt tăng trưởng 10% như đẩy mạnh đột phá về thể chế, pháp luật; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất; cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút FDI và Đầu tư khu vực tư nhân… Tiên quyết là phải phân bổ hết toàn bộ số vốn đầu tư công trong quý 1-2025; chủ động đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật thông qua việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương thực hiện vận động, thuyết phục người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.
TPHCM cũng cần chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận 84 dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025, với tổng số vốn đầu tư dự kiến trên 296.000 tỷ đồng. Chủ động chuẩn bị, thực hiện quy trình thủ tục để thu hút đầu tư đối với 11 khu vực dự kiến thực hiện TOD với tổng diện tích trên 1.107ha.
Ngoài ra, thúc đẩy các thủ tục thực hiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam; đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; đề án đường sắt đô thị; dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2030...
TPHCM cố gắng đến cuối năm 2025, ít nhất 80% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến. Ứng dụng Công dân số sẽ là kênh tương tác 2 chiều giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đây cũng là công cụ để thành phố lắng nghe và có sự điều chỉnh phù hợp trước những phản ánh trong xã hội trên môi trường số. TPHCM tập trung cao độ cho lĩnh vực kinh tế số để đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 25% GRDP, hướng đến mức 40% cho năm 2030. Phát triển các nền tảng kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng và sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số có tính ứng dụng cao (dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)...).Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua các chính sách hỗ trợ bằng ngân sách…
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết, TPHCM đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên 520.000 tỷ đồng, tăng 2,6% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Chi ngân sách thành phố gần 173.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024, trong đó, chi đầu tư phát triển là 81.200 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM tăng cường chống thất thu, khai thác các nguồn thu từ đất đai, quản lý và khai thác hiệu quả tài sản công.
TPHCM cũng cần tổng kiểm tra tài sản công, rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Triển khai các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất công; đánh giá tác động của việc thực hiện công tác tổng kiểm tra tài sản công đối với công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công…
UBND TPHCM đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong tháng 2 và những tháng tiếp theo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, triển khai hiệu quả chủ đề năm; tiếp tục tập trung triển khai các công tác thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, quy định trong việc thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW.
UBND TPHCM tiếp tục phát triển, cải tiến hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố liên thông kết nối, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân. Triển khai khai thác dữ liệu để thay thế một số giấy tờ trong hồ sơ khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
Cùng với đó, ban hành kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị gắn với từng trách nhiệm trong lĩnh vực do mình quản lý, thực hiện…