Theo GS-TS Phạm Văn Biên, những năm qua nhiều địa phương có chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, “trải thảm đỏ” thu hút, sử dụng trí thức và Việt kiều, nhưng kết quả rất khiêm tốn, khác xa so với kỳ vọng. Ông dẫn chứng, trong 4 năm từ 2015 đến 2017, TPHCM thu hút được 15 chuyên gia (2 người Việt, 5 người nước ngoài và 8 Việt kiều), nhưng tới nay còn 10 người. Hay năm 2016, TP mời gọi trí thức tham gia vào “Ngân hàng ý tưởng” và đã nhận được 47 ý tưởng. Nhưng rất tiếc, tới nay chưa có 1 ý tưởng nào được hiện thực hóa.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đưa ra số liệu từ Đề án 922 của TP Đà Nẵng sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với số vốn đầu tư vào 616 người là 680 tỷ đồng. Nhưng tới nay chỉ còn hơn một nửa và phần lớn không sử dụng đúng trình độ chuyên môn được đào tạo. Địa phương này đang có nhiều vụ kiện vi phạm các hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khi có nhiều người được đào tạo đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, phương thức thu hút tài năng như vậy là rất lãng phí tiền của và không thể trong thời gian ngắn mà có được những người tài năng, nhất là người tài năng đặc biệt. Kinh nghiệm cho thấy, những năm sau giải phóng TP có chủ trương mời gọi đội ngũ trí thức ở lại phục vụ đất nước bằng cách làm rất hiệu quả. “Tôi nhớ, nhiều vị lãnh đạo TP đến tận nhà vận động trí thức tham gia vào các lĩnh vực mà TP cần, rồi có chính sách đãi ngộ cho từng trường hợp”, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn nói.
Cũng với quan điểm này, nghệ sĩ Quyền Linh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, đã là tài năng, nhất là tài năng đặc biệt thì không thể đặt ra tiêu chuẩn này, điều kiện kia, chính sách đãi ngộ cào bằng với họ được. “Tài năng trong dân lúc nào cũng có và có rất nhiều, trên các lĩnh vực. Cái chính là chúng ta chưa tìm ra được họ, chưa có chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực để mời gọi họ, phát huy tài năng, trí tuệ của họ cho phát triển”, nghệ sĩ Quyền Linh đặt vấn đề.
Theo TS Trần Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, chính sách đào tạo, thu hút và đãi ngộ nhân tài như những năm qua chưa hiệu quả, chưa phù hợp với cơ chế, bộ máy và hệ thống trong các cơ quan Nhà nước. TS Trần Thế Du kiến nghị: “Cần có chính sách thu hút, đãi ngộ người tài cho từng công trình, dự án cụ thể, không thể gói hết vào tất cả các lĩnh vực. Thu hút, sử dụng, đãi ngộ người tài phải theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Phát hiện hiện người tài cũng vậy, phải đi tìm, mời gọi, trân trọng họ và giữ họ bằng những công trình, dự án mà họ tâm huyết, hết lòng sáng tạo, cống hiến…”.
Đồng chủ trì hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm đánh giá cao ý kiến phản biện của các nhà khoa học. Đây là cơ sở để UBND TP tiếp tục hoàn thiện đề án và sớm ban hành thực hiện, để trong thời gian ngắn nhất có thể thu hút được đội ngũ nhân tài phục vụ yêu cầu phát triển của TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo.