Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, từ 2.109 đề tài tham gia dự thi cấp cơ sở, có 946 đề tài được chọn dự thi cấp thành phố.
Trải qua các vòng chấm thi trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp thí sinh, ban tổ chức đã chọn ra 71 đề tài tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố nhằm chọn ra 12 đề tài xuất sắc nhất tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức dự kiến diễn ra vào tháng 3-2025.
"Trên tổng số 22 lĩnh vực nghiên cứu trong khuôn khổ cuộc thi cấp quốc gia, TPHCM tham gia dự thi ở 21 lĩnh vực. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị trường học nói chung, học sinh và giáo viên nói riêng trên địa bàn thành phố. Tôi mong các em tiếp tục phát huy sự tự tin, khả năng tư duy và sáng tạo của mình tại cuộc thi", ông Nguyễn Bảo Quốc bày tỏ.
Tham gia dự thi với đề tài "Nghiên cứu tâm lý nạn nhân ở học sinh THPT tại TPHCM", nhóm 2 học sinh gồm Trần Đào Thiên Ân và Nguyễn Hoàng Quốc Phát, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), đã tiến hành khảo sát trên 741 học sinh và nhận thấy hơn 50% học sinh THPT hiện nay có biểu hiện của tâm lý nạn nhân, tuy nhiên chỉ có 38% học sinh ý thức được sự xuất hiện của thương tổn này.
"Ở độ tuổi THPT, học sinh chịu rất nhiều áp lực từ việc học hành, quan hệ ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình. Nếu không khéo léo trong việc ứng xử, các bạn dễ có tâm lý tiêu cực dẫn đến nhiều hành động xấu như hội chứng overthinking (suy nghĩ quá nhiều), tự ti, khủng hoảng tâm lý... Để khắc phục tình trạng nói trên, nhóm em đã tìm ra các giải pháp để cải thiện hành vi, giảm thiểu tác hại của tâm lý thương tổn", Trần Đào Thiên Ân chia sẻ.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã biên soạn cẩm nang nhận diện biểu hiện của tâm lý nạn nhân, bộ bài "chẩn đoán" để đưa ra lời khuyên, kế hoạch "3 việc cần làm mỗi ngày" để giúp các bạn học sinh xác định được mục tiêu phấn đấu của bản thân, giải tỏa khỏi các áp lực bị so sánh hoặc tự mình so sánh với người khác.
Ở lĩnh vực nghiên cứu khác, nhóm học sinh đến từ Trường THCS Vân Đồn (quận 4) mang đến cuộc thi đề tài nghiên cứu "Cải thiện môi trường không khí trường học bằng lò phản ứng quang sinh học".
"Vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang là thách thức lớn đặt ra trong xã hội hiện đại. Với mong muốn đóng góp thêm một giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, nhóm tụi em đã sáng chế ra bộ lọc không khí từ vi khuẩn tảo", Trần Hoàng Khánh Linh, học sinh lớp 9A7, Trường THCS Vân Đồn cho hay.
Cơ chế hoạt động của bộ lọc không khí là vận dụng quá trình quang hợp của tảo biển với khả năng lọc không khí cao hơn khoảng 50 lần quá trình quang hợp của cây xanh.
Để tạo ra sản phẩm, nhóm học sinh đã vận dụng kiến thức của nhiều môn học như Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Mỹ thuật... Quá trình nghiên cứu trải qua nhiều lần thất bại giúp các em rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo, khắc phục hạn chế để tạo ra sản phẩm tối ưu nhất.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, năm học 2024-2025, chất lượng và số lượng các đề tài dự thi được nâng lên đáng kể so với năm học trước, quy trình nghiên cứu ngày càng được chuẩn hóa.
Bên cạnh các đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm tham gia dự thi, cuộc thi năm nay đã xuất hiện nhiều đơn vị mới, khẳng định hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn thành phố.