Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu và nắm bắt thay đổi công nghệ mới, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tự động hóa, kỹ thuật số hóa và chuyển đổi xanh bền vững.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất nhựa tại khu vực, ngành công nghiệp nhựa trong nước sẽ hưởng lợi đáng kể từ xu hướng toàn cầu và trở thành một nhân tố quan trọng trong nỗ lực cung cấp các giải pháp mới cho ngành sản xuất nhựa thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, cùng với đó, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức rất lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Hiện mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có đến 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển và chỉ 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.
Ở khía cạnh khác, Tiến sĩ Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi quy định cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tuân thủ quy định tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) có hiệu lực. Bởi doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư công nghệ tái chế nhựa, cũng như sản xuất nhựa sinh học.
Được biết, triển lãm VietnamPlas 2024 không chỉ giới thiệu các giải pháp tái chế bền vững mà còn trưng bày đa dạng sản phẩm từ máy ép phun tiên tiến, dây chuyền ép đùn hiện đại đến máy thổi màng cải tiến, máy làm túi cơ khí chính xác, máy trộn hiệu suất cao, máy cắt công nghiệp, máy nén, nguyên liệu chất lượng và phụ gia chuyên dụng.
Những công nghệ này phù hợp với nhu cầu của Việt Nam về nâng cao khả năng sản xuất tiên tiến và thực hành bền vững trong ngành nhựa và cao su. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 18-10 tại trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM).