Tại đây, các sở ngành cũng góp ý, kiến nghị nhiều giải pháp giúp kinh tế TPHCM vượt qua khủng hoảng, phát triển sau dịch.
Tăng trưởng trong khó khăn
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn cầu, khiến nhiều quốc gia, thành phố tăng trưởng âm. TPHCM cũng không ngoại lệ, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, nhiều chỉ số về du lịch, đầu tư, xuất nhập khẩu 6 tháng qua cũng giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 614.600 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành lưu trú, ăn uống giảm gần một nửa, lữ hành giảm hơn 71%; hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ đại lý vận tải ước đạt 116.951 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ (vận tải hàng hóa tăng 1,5%, vận tải hành khách giảm 51,7%); khách quốc tế đến TPHCM trong 6 tháng chỉ đạt 1,3 triệu lượt người, giảm gần 70%; chỉ số sản xuất công nghiệp cũng giảm hơn 3% so với cùng kỳ…
Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng chỉ ước đạt 163.173 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ (trong khi tổng chi ngân sách địa phương đến 29.672 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ).
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) xuất qua cảng TPHCM (gồm cả dầu thô) trong 6 tháng qua ước đạt 19.087 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng là nhờ xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh kéo kim ngạch xuất khẩu của cả TP tăng theo. Cụ thể, trong khi khu vực kinh tế nhà nước xuất khẩu chỉ đạt 1.200 triệu USD (giảm 23,3%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt khoảng 5.240 triệu USD (giảm 6,4%) thì khu vực FDI đạt đến 12.644 triệu USD (tăng 15,7%).
Các ngành khác cũng có chỉ số dương như lâm sản, thủy sản tăng 3,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,88%; khu vực dịch vụ tăng 0,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,04%... nên đã kéo nền kinh tế vực dậy. Từ đó dẫn đến kết quả chung của TPHCM trong 6 tháng qua tăng trưởng dương.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 651.607 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 465.942 tỷ đồng, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm trước.
Phục hồi kinh tế sau dịch
Để hỗ trợ DN vượt qua dịch Covid-19 và đạt được mục tiêu tăng trưởng mà TPHCM đã quyết tâm không điều chỉnh, đại diện các sở ngành TPHCM đã phân tích điểm yếu, điểm mạnh, tìm giải pháp phục hồi kinh tế.
Theo lãnh đạo Cục Thống kê, điểm sáng nhất trong dịch Covid-19 là xuất khẩu vẫn tăng cao so với cùng kỳ, tăng 5,5%. Trong đó, các nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt là linh kiện, sản phẩm điện tử, nông sản và rau quả, do có đơn hàng từ trước dịch. Trong rủi ro lại có cơ hội, do một số nhà máy ở Trung Quốc ngưng hoạt động nên đơn hàng được chuyển sang Việt Nam, cụ thể là về Khu công nghệ cao TPHCM.
Một mặt hàng khác cũng có cơ hội phát triển mạnh trong mùa dịch là ngành may mặc. Đại diện Sở Công thương cho biết, dệt may chiếm hơn 12%, da giày chiếm hơn 14% tổng kim ngạch xuất khẩu qua EU. Trong mùa dịch, các DN vẫn tăng trưởng nhờ đơn hàng cũ, dù thực tế có hơn 45% số DN bị tác động bởi dịch.
Lãnh đạo Sở Công thương cũng dự báo sau khi hết dịch, các DN nhận đơn hàng và mở cửa hoạt động trở lại thì nguy cơ sẽ thiếu lao động. Do vậy, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển cho rằng, từ nay đến cuối năm cần có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhà nước để các ngành ổn định trở lại.
Cụ thể, để giữ vững được chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội đến cuối năm 2020, TP cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công, có chính sách phù hợp phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, cần tập trung cho các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế số, tăng cường xuất khẩu phần mềm và nội dung số; ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần có giải pháp thu hút, lựa chọn, hấp thu vốn FDI và ODA. Hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, bán các mặt hàng chủ lực ra nước ngoài; tập trung liên kết ngành, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc Đề án đô thị thông minh. Cuối cùng là tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cho thuê đất, tiếp cận vốn vay cho DN.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, 6 tháng đầu năm nay có hơn 17.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 223.400 tỷ đồng. Trong đó, 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 70% với gần 12.600 doanh nghiệp, có số vốn đăng ký gần 160.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn TP có 533 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn chỉ gần 300 triệu USD; 93 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn gần 200 triệu USD; hơn 2.200 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số tiền 1.524 triệu USD. Như vậy, tổng vốn FDI đổ vào TPHCM 6 tháng qua là khoảng 2 tỷ USD. |