Trong tổng số 23.316 liều vaccine được tiêm chủng, ghi nhận 1.321 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, chiếm tỷ lệ 5,7% trên tổng số mũi tiêm; tương đương với tỷ lệ phản ứng thông thường của các vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà khác; không có ca tai biến nặng sau tiêm chủng.
Cũng theo Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, số liều vaccine ComBE Five trên chỉ mới bao phủ khoảng 5% số trẻ cần tiêm chủng các mũi cơ bản phòng 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, HiB, bại liệt. Bên cạnh đó, có khoảng 70% số trẻ được tiêm chủng vaccine dịch vụ. Như vậy vẫn còn khoảng 16.269 trẻ em sinh từ tháng 6-2018 đến tháng 3-2019 vẫn chưa được tiêm chủng phòng các bệnh này (chiếm tỷ lệ 25%). Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh này trong thời gian tới nếu trẻ em không được tiêm chủng theo lịch.
Trung tâm Y tế Dự phòng TP khuyến cáo các bậc cha mẹ có con dưới 1 tuổi cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc do Bộ Y tế quy định. Đối với trẻ em trên 1 tuổi, cha mẹ cần xem lại sổ tiêm chủng để biết có thể đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định “Cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng” (Điều 8 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) |