Hẻm rộng mở, kinh tế cải thiện
Từng bị quẹt xe khi lưu thông trong hẻm 16/16 Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3) trong lúc đến thăm gia đình người bà con, vì vậy, trở lại hẻm lần này, ông Dương Thanh Tuấn (ngụ huyện Hóc Môn) bất ngờ với con hẻm khang trang trước mặt.
“Bữa nay hẻm rộng quá chú Tư, xe hơi vào được tận cổng chứ không như mấy năm trước, xe máy của con với một xe nữa né nhau, gặp thêm cái ghế đặt ở chỗ ổ gà, té trầy đầu gối. Nay con vô mà tưởng đi nhầm hẻm”, ông Tuấn nói vui.
Hẻm 16/16 Nguyễn Thiện Thuật vốn chỉ rộng 3m, có chỗ nhỏ hơn, lại thêm nhiều nhà trong hẻm cơi nới để buôn bán nên hẻm càng nhỏ, xe cộ ra vô khó khăn. Vậy mà giờ đây, xe hơi của ông Tuấn đã vào được tận cửa nhà người thân. Niềm vui của khách khi đến con hẻm chỉ chốc lát, nhưng niềm vui của người dân trong hẻm thì kéo dài mãi vì cuộc sống của họ thực sự thay đổi. Nhờ buôn bán có thêm khách hàng, kinh tế của nhiều gia đình được cải thiện.
Nhìn 2 chiếc xe hơi vừa chạy ngang qua nhau, ông Nguyễn Tri Dũng, ngụ hẻm 1168 Trường Sa (phường 13, quận Phú Nhuận) nhớ lại hình ảnh con hẻm nhỏ xíu, quanh năm ngập nước của 16 năm về trước.
“Hồi đó chỉ cần thủy triều lên là con hẻm lênh láng nước, còn mưa lớn thì cả xóm bì bõm lội nước từ nhà ra sân. Giờ thì khang trang, phát triển khỏi phải bàn. Cô xem, bao nhiêu công ty, văn phòng làm việc được hình thành trong con hẻm này. Việc đi lại cũng thuận tiện vô cùng”, ông Dũng bày tỏ niềm vui.
Theo UBND phường 13, quận Phú Nhuận, sau khi hẻm 1168 Trường Sa được mở rộng từ 2,5m lên hơn 6m theo hình thức người dân đồng thuận tự nguyện hiến đất, nhà nước xây dựng, đến nay đã có 6 doanh nghiệp và hơn 10 hộ kinh doanh được thành lập trong con hẻm này. Cuộc sống nhiều gia đình khấm khá hơn nhờ việc cho thuê nhà làm văn phòng công ty, hoặc mở cửa hàng buôn bán nhỏ.
Nhắc đến phong trào mở rộng hẻm tại quận Phú Nhuận, nhiều người vẫn nhớ “kỳ tích” tại con hẻm 162 Phan Đăng Lưu, phường 3. Khi chưa được chỉnh trang, hẻm chỉ rộng khoảng 2m. Hẹp nhất là đoạn cuối chỉ hơn 1m, lại ngoằn ngoèo hình chữ U. Điều người dân lo lắng nhất là nếu xảy ra cháy nổ, xe chữa cháy sẽ không vào được.
Thế nhưng, bằng quyết tâm cao, các ban ngành của quận Phú Nhuận đã đề ra giải pháp hoán đổi đất cho người dân sang vị trí khác, đồng thời giải tỏa trắng 4 căn nhà để “nắn” lại hẻm. Đồng thời, quận sắp xếp, cân đối phân bổ lại diện tích giữa đất giao thông và đất ở, từ đó bố trí đất cho 4 hộ dân bị ảnh hưởng để xây nhà ở.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Trần Quang Sang, hẻm 162 Phan Đăng Lưu là một trong những công trình điển hình cho sự thành công của cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm ở quận. Sau 20 năm, người dân đã hiến 20.000m2 đất, trị giá khoảng 1.209 tỷ đồng, để quận hoàn thành 102 công trình đưa vào sử dụng. Trong đó, có hộ dân hiến hơn 40m2 đất để mở rộng đường, hẻm.
Thành quả từ sự đồng thuận
Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Chủ tịch UBND phường 2, quận 3, cho biết, từ năm 2010 đến nay, phường đã vận động 506 hộ dân hiến tổng diện tích hơn 1.743m2 đất mở rộng 12 tuyến hẻm. Từ những con hẻm chỉ đủ 2 xe máy lưu thông ngược chiều, thì đến nay nhiều tuyến hẻm ở phường đã được mở rộng khang trang, đời sống người dân và bộ mặt đô thị được cải thiện đáng kể.
Quận 3 cũng là một trong những địa phương có phong trào hiến đất mở rộng hẻm phát triển mạnh mẽ. Dù là nơi “tấc đất tấc vàng”, nhưng từ những năm 2000 đến nay, người dân đã đồng lòng hiến đất mở rộng hẻm.
Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, từ năm 2004 phong trào hiến đất mở rộng hẻm được triển khai, nhân rộng, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Sau hơn 20 năm triển khai, quận 3 đã có 3.713 hộ tham gia hiến đất mở rộng 95 tuyến hẻm, tổng diện tích đất mở rộng là hơn 18.000m2 với số tiền gần 847 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 nhưng quận 7 vẫn vận động nhân dân hiến 2.200m2 đất (ước giá trị đất trên 74 tỷ đồng) mở rộng 11 tuyến hẻm.
Theo UBND quận 7, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm tại quận đã minh chứng rõ nét cho việc khi có chủ trương đúng, phù hợp với lợi ích của người dân thì sẽ được người dân tin tưởng, ủng hộ. Quận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở rộng tối thiểu 50 tuyến hẻm chính và nâng cấp hàng chục tuyến hẻm xương cá. Cùng với đó, sẽ có nhiều cây cầu dân sinh được xây mới để đồng bộ với các tuyến hẻm mở rộng.
Tại TP Thủ Đức, việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường, hẻm trên địa bàn cũng đạt được nhiều kết quả đáng kể nhờ sự đóng góp của nhân dân. Nhiều tuyến đường, hẻm từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, bài bản với sự tham gia của người dân. Từ
năm 2000 đến nay, địa phương đã tổ chức nâng cấp bê tông, nhựa hóa 900 dự án đường, hẻm (trong đó có 262 dự án đường và 638 tuyến hẻm) tương ứng số tiền gần 1.183 tỷ đồng, với 13.683 hộ dân tham gia hiến gần 410.000m2 đất. Từ phong trào vận động hiến đất làm đường, mở rộng hẻm, nhiều con đường, hẻm nhỏ từ chỗ ngập nước lầy lội, nhiều ổ gà, ổ voi… đã trở thành những tuyến đường nhựa, đường bê tông sạch đẹp, không còn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước. Giai đoạn 2021-2025, TP Thủ Đức dự kiến mở rộng 85 hẻm với tổng kinh phí gần 232 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, công tác tuyên truyền, vận động người dân được chú trọng, tạo được ủng hộ và đồng lòng thực hiện từ người dân. Kết quả đó đến từ việc chứng minh để người dân nhận thấy việc mở rộng hẻm sẽ đem lại môi trường sống thông thoáng, đảm bảo an toàn, đời sống cải thiện cùng với nhiều lợi ích kinh tế sau khi làm đường, mở hẻm.
Đồng chí VÕ KHẮC THÁI, Bí thư Quận ủy quận 7:
|