Tuyến Metro số 1 vận hành vào năm 2020
Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Bùi Xuân Cường cho biết, từ nay đến cuối năm, ban đặt mục tiêu thi công đạt 18% tiến độ, nâng tiến độ chung của dự án Metro số 1 lên 80%. Những vướng mắc liên quan đến dự án đã và đang được tháo gỡ để dự án tăng tốc, kịp vận hành vào cuối năm 2020 như kế hoạch. Hiện các đơn vị thi công tập trung thiết bị, nhân lực xây dựng nhà ga ngầm Bến Thành và đường ngầm trên đường Lê Lợi. “Dưới độ sâu 30m, trong lòng đất, từng tốp kỹ sư, công nhân đang đổ những mẻ bê tông sàn đáy cho nhà ga Bến Thành” ông Bùi Xuân Cường nói.
Đến thời điểm này, đoạn đi trên cao của tuyến Metro số 1 đã cơ bản hoàn thành và hiện nhìn như một chiếc cầu vượt uốn lượn trên cao, bên hông xa lộ Hà Nội. Đoạn đi trên cao xuất phát ở điểm đầu là nhà ga Ba Son rồi men theo rạch Văn Thánh ra đường Điện Biên Phủ, vượt qua sông Sài Gòn và đi bên hông xa lộ Hà Nội chạy đến depot (ga và trạm bảo dưỡng) Suối Tiên (quận 9). Tổng chiều dài của đoạn tuyến 17,1km. Trên chiếc cầu bêtông này luôn có hàng chục kỹ sư và công nhân tất bật lắp đặt 2 đường ray sắt cho mỗi chiều đoàn tàu metro đi và về.
Đến nay công trình đã lắp được hơn 6.000m đường ray và đổ 2.700m nền bêtông đường ray tại các đoạn từ nhà ga Phước Long đến nhà ga Thủ Đức. Khu vực depot Long Bình - trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe rộng 22ha (ở quận 9 và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã xong phần thô của tòa nhà cao tầng - trung tâm điều hành OCC, là nơi các kỹ sư quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của các đoàn tàu trên tuyến Metro số 1. Theo kế hoạch, trong năm 2019 và 2020 đơn vị thi công sẽ lắp đặt các thiết bị điều hành, hệ thống camera giám sát hoạt động các đoàn tàu metro.
Dự án tuyến Metro số 1 có chiều dài 19,7km, tổng vốn đầu tư 47.325 tỷ đồng. Dự án chống ngập, ngăn triều với 6 cống và đê - kè có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. |
Theo ông Bùi Xuân Cường, tuyến Metro số 1 hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ là đòn bẩy cho các tuyến metro tiếp theo. Thời gian qua, có nhiều quốc gia muốn tham gia đầu tư các tuyến metro tiếp theo tại TPHCM. Cụ thể, đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết hiện có nguồn 825 triệu USD tài trợ các dự án Metro số 4, số 5; hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng tài trợ 900 triệu USD cho tuyến số 2. Ngân hàng Tái thiết Đức cũng đồng ý tài trợ không hoàn lại 6 triệu EUR nghiên cứu tuyến Metro số 2...
Dự án chống ngập cũng sẽ hoàn thành vào năm 2020
Sau hơn 8 tháng ngừng thi công, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã tái khởi động từ đầu tháng 3 năm nay. Chủ đầu tư cho biết, với tốc độ thi công như hiện nay, chậm nhất vào quý 1-2020 dự án sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành.
Theo dự kiến ban đầu, với mục tiêu chống ngập cho lưu vực 570km2 của TPHCM, dự án sẽ hoàn thành vào dịp 30-4-2018, nhưng không về đích đúng hẹn do vướng thủ tục. Đầu tháng 1-2019, UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình giải quyết những vướng mắc để dự án tái khởi động sớm nhất. Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến cho biết, hiện dự án đã hoàn thành gần 80% khối lượng, các hạng mục chính của các cống ngăn triều đã “ngoi” lên mặt nước.
“Sau gần một năm dự án mới khởi động trở lại. Kết quả này là nhờ sự quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc từ phía UBND TPHCM, Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Tâm Tiến chia sẻ và cho biết thêm, nếu thành phố bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2019, Công ty Trung Nam sẽ nỗ lực hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2019, hoặc chậm nhất là đưa vào vận hành trong quí 1-2020. Vừa qua, thành phố đã điều chỉnh một số tuyến đê - kè, nhờ đó đã giảm được 97/238 hộ vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Đây là dự án trọng điểm, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, để dự án hoàn thành sớm ngày nào người dân hưởng lợi ngày đó. Vì đây là dự án có tầm quan trọng và liên quan đến đời sống của 6,5 triệu dân”.