Báo cáo tại buổi giao ban, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, tính đến ngày 4-9, TPHCM ghi nhận 541 ca sởi, trong đó huyện Bình Chánh và quận Bình Tân ghi nhận số ca bệnh cao. Thống kê cho thấy, 48% ca bệnh sởi là trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi, 74% chưa tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ. Trong 5 ngày tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, toàn thành phố tiêm được 16.907 mũi trong tổng số hơn 200.000 trẻ cần tiêm. Ông Nguyễn Hồng Tâm nhìn nhận, điều đáng lo ngại hiện nay là danh sách trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chưa đầy đủ do tình trạng di biến động dân cư lớn; công tác rà soát, thống kê, điều tra trẻ nhỏ tại các quận huyện chưa quyết liệt và hiệu quả.
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, dự kiến có 321.404 trẻ mầm non ra lớp và 626.513 học sinh tiểu học trong năm học mới. Tỷ lệ huy động trẻ từ 0 đến 2 tuổi đến lớp là 29%, tỷ lệ huy động mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) là 94%.
Các trường học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh và trẻ ra lớp, phối hợp y tế địa phương lập danh sách tiêm chủng, đảm bảo tất cả trẻ đến trường an toàn và tiêm phòng theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đánh giá cao sự phối hợp của ngành y tế và các sở ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch sởi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi cũng như kết quả điều tra danh sách trẻ từ 1-5 tuổi đến thời điểm này còn thấp. Cụ thể, chỉ có 6 quận, huyện rà soát danh sách trẻ em đạt từ 80%-100%, còn lại ở mức dưới 80% và có nguy cơ bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Trước tình hình trên, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy chỉ đạo UBND các quận huyện và TP Thủ Đức tập trung rà soát, cập nhật danh sách trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm trẻ tại khu dân cư chưa đến tuổi đi học hoặc không được đến trường; các địa phương tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch khu vực có ca bệnh sởi. Đồng thời, giao Sở TT-TT TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tăng cường các hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả đến cộng đồng về phòng chống dịch sởi.