Đóng góp tương đương 7% GDP cả nước
Một vấn đề người dân rất quan tâm là vì sao trước đây 3 quận (2, 9, Thủ Đức) tách ra từ huyện Thủ Đức, rồi bây giờ lại nhập vào? Vì sao không gọi là “quận Thủ Đức” mà lại là “TP Thủ Đức”? Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi TP Thủ Đức đang gấp rút chuẩn bị các bước để hình thành, đi vào hoạt động.
Trả lời những câu hỏi này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh, thành lập “TP Thủ Đức” là đòi hỏi của sự phát triển của TPHCM. Năm 1997, 3 quận 2, 9, Thủ Đức được tách ra từ huyện Thủ Đức. Nhìn lại 23 năm qua, mỗi quận đã đạt được những bước phát triển quan trọng và có ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, nếu tiếp tục để các quận tách rời nhau sẽ không tạo nên tính tương tác giữa các cực tăng trưởng đang nằm ở các quận khác nhau. Điều này đòi hỏi mô hình quản lý, thể chế thích hợp để thúc đẩy Thủ Đức phát triển trong tương lai. Nhận diện rõ những tiềm năng phát triển của khu vực, TPHCM đề xuất quy hoạch nơi đây trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao dựa trên 3 trụ cột: Khu công nghệ cao - Đại học Quốc gia TPHCM - Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP Thủ Đức được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành “cực” tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Với mục tiêu như vậy thì phải là “thành phố” chứ không thể là quận.
Theo tính toán khoa học thì TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TPHCM, tương đương 7% GDP của cả nước. Xét về quy mô, trong khi nhiều quận của TP chỉ rộng chưa đầy 5km2 thì 3 quận 2, 9, Thủ Đức là hơn 211 km2. Dân số hơn 1 triệu người, tương đương số dân của TP Đà Nẵng. Với quy mô như vậy, đơn vị hành chính mới không thể là một quận.
Với Nghị quyết 1111, TP Thủ Đức sẽ là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Đây sẽ là cơ sở để TPHCM đề xuất cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để phát triển trong tương lai. ThS Nguyễn Thị Thiện Trí, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM, nhận định, TP Thủ Đức sẽ gánh vác trách nhiệm là một tiền lệ về cơ chế hình thành đơn vị hành chính lãnh thổ “thành phố trong thành phố” trên cả nước.
Vùng động lực phát triển kinh tế mới cho TPHCM
Các thế mạnh của TP Thủ Đức được TPHCM xác định là các tiền đề quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Vì thế, song hành với thành lập TP Thủ Đức, TPHCM xây dựng đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM giai đoạn 2020-2025.
Trong mục tiêu phát triển đô thị, TP Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TPHCM. Về định hướng phát triển đô thị, dự kiến, dân số cư trú sẽ đạt 1,5 triệu người vào năm 2030; 1,9 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060. Vì thế, quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
Các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo chính cũng được xác định, trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học; Khu Đại học Quốc gia TPHCM; Khu Trường Thọ - đô thị tương lai Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam…
TPHCM xác lập 3 giai đoạn phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Theo kế hoạch, để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển được đặt ra trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu vốn trong khu vực nhà nước ước tính sơ bộ cần 41.660 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông (khoảng 30.000 tỷ đồng) rồi đến đầu tư cho hạ tầng chống ngập (hơn 6.400 tỷ đồng) và đầu tư chuyển đổi số (khoảng 4.400 tỷ đồng), phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo (khoảng 550 tỷ đồng), đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch, dự án, các quy định, chính sách (hơn 288 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện liên quan đề xuất phương án, tiến độ giải quyết thủ tục, hồ sơ liên quan đến người dân, tổ chức ở các phường và TP Thủ Đức, đảm bảo liên tục, thông suốt, hiệu quả, ổn định. Ngoài ra, các sở ngành liên quan phải công khai nội dung hướng dẫn chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính do thay đổi địa giới đơn vị hành chính cũng như thành lập TP Thủ Đức. Việc chuyển đổi giấy tờ này sẽ không thu phí. Trường hợp chưa chuyển đổi, các loại giấy tờ trước đây chưa hết thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng. |
Ông NGUYỄN VĂN THƯỞNG, phường hiệp bình chánh, quận thủ đức: Mong chống ngập hiệu quả và xóa quy hoạch treoBan đầu tôi và nhiều người có lo lắng về chuyển đổi giấy tờ khi thành lập TP Thủ Đức. Sau đó, chúng tôi không còn băn khoăn nữa vì được thông báo là các cơ quan sẽ hỗ trợ tối đa và không thu phí. Hiện có 2 vấn đề lớn nhất mà người dân chúng tôi mong muốn TPHCM và TP Thủ Đức sẽ tập trung giải quyết, là chống ngập và xóa quy hoạch treo. Nhà tôi ở đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh rất khổ sở vì tình trạng ngập mỗi khi mưa lớn. Tôi đã nâng nền 3 lần nhưng vẫn không thoát ngập. Muốn sửa chữa nhà thì không được, bởi khu nhà tôi “dính” quy hoạch công viên cây xanh nhiều năm nay. Khi thành lập TP Thủ Đức, chúng tôi mong rằng TPHCM sẽ quan tâm đầu tư, giải quyết hiệu quả vấn đề chống ngập. Đồng thời công khai, xem xét điều chỉnh, bỏ quy hoạch đã kéo dài quá lâu không thực hiện, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. MAI HOA ghi Ông CHU MẠNH TƯỜNG, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Thọ, quận Thủ Đức: Xác định thứ tự ưu tiên để giải quyết dứt điểmNăm 2021 là năm TPHCM có nhiều đổi mới với rất nhiều phần việc được giải quyết. Trong đó, TPHCM bắt đầu thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị, mà đặc biệt là thành lập TP Thủ Đức. Như vậy, sẽ có sự xáo trộn nhất định nên TPHCM cần có lộ trình, giải pháp ổn định bộ máy để việc phục vụ người dân, doanh nghiệp được đảm bảo, xuyên suốt. TPHCM cũng cần sớm đưa ra lộ trình giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Cụ thể là việc xác định thứ tự ưu tiên để giải quyết dứt điểm các tồn đọng của TP Thủ Đức như bồi thường giải phóng mặt bằng, về tái định cư và đầu tư hạ tầng giao thông, chống ngập… Tôi tin tưởng TPHCM sẽ dồn tâm, dồn sức để TP Thủ Đức vệ tinh sớm đi vào hoạt động ổn định, sớm trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế của TP và khu vực như mong mỏi. THU HƯỜNG ghi |
Buổi lễ công bố Nghị quyết 1111 được truyền hình, phát thanh trực tiếp tại điểm cầu trụ sở UBND quận 2. Ngoài ra, 2 địa điểm phục vụ người dân theo dõi truyền hình trực tiếp là Nhà Thiếu nhi quận 9 và Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức. Trong buổi lễ, TPHCM sẽ công bố lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án trọng điểm tại TP Thủ Đức. |