Ngày 23-11, Thành ủy TP Thủ Đức tổ chức tọa đàm Nhận thức và hành động của ngành giáo dục TP Thủ Đức trong thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Nguyễn Phước Hưng, Thành ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức; Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và xây dựng trường học hạnh phúc. Các đại biểu cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục hiện nay như về nhân sự, cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình giáo dục nâng cao, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về những cơ chế có thể áp dụng cho ngành giáo dục.
Đề cập đến thực trạng giáo viên nghỉ việc rất nhiều, trong khi việc tuyển dụng nhân lực ngành giáo dục lại khó khăn, thầy Nguyễn Thanh Trước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang cho rằng phải đẩy mạnh các giải pháp để tháo gỡ, phải có cơ chế thu hút phù hợp.
Trao đổi thêm, thầy Nguyễn Thanh Trước cho biết, hiện giáo viên rất khó khăn về chỗ ở, trong khi họ là đối tượng cần phải ổn định, do đó thầy đề xuất hỗ trợ giáo viên tiếp cận được việc mua nhà ở xã hội.
Nhiều đại biểu băn khoăn về việc khai thác tài sản công, tận dụng mặt bằng dôi dư trong trường học để tăng nguồn thu cho trường. Cô Mai Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS An Phú cho biết, mọi người đều mong muốn khai thác được tài sản công để tăng nguồn thu cho trường, song thực tế nguồn thu này phải nộp vào ngân sách nên các trường cũng chưa có giải pháp mạnh dạn hơn.
Đại biểu nêu ý kiến tại tọa đàm |
Đề cập đến chuyển đổi số, cô Mai Thị Thu chia sẻ nhiều tâm tư. Theo cô Mai Thị Thu, việc chuyển đổi số tạo thuận lợi rất lớn cho nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong dạy và học cũng như trong công tác quản lý. Song, muốn chuyển đổi số thì phải sử dụng phần mềm. Và đây là dịch vụ nên phải đóng phí, phía phụ huynh phản ứng nên rất khó khăn cho nhà trường. “Rất nhiều người, kể cả là học sinh, phụ huynh, thậm chí là giáo viên cũng nghĩ nếu đơn vị nào đó vào triển khai dịch vụ thì hiệu trưởng sẽ có hoa hồng. Do đó chúng tôi rất ngại trong việc triển khai thực hiện các dịch vụ có thu phí”, cô Mai Thị Thu tâm sự.
Hiệu trưởng Trường THCS An Phú mong mỏi TP Thủ Đức hỗ trợ giới thiệu đơn vị cung cấp phần mềm tích hợp được các chức năng phù hợp để các đơn vị trường học trên địa bàn cùng sử dụng, tránh trường hợp các trường phải liên kết với nhiều đơn vị khác nhau; đồng thời có giải pháp để không phải thu phí của phụ huynh học sinh để triển khai chuyển đổi số.
Đại biểu nêu ý kiến tại tọa đàm |
Trao đổi lại với các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cam kết thời gian tới, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục ở TP Thủ Đức sẽ chuyển mình mạnh mẽ.
Đồng chí Hoàng Tùng thông tin, TP Thủ Đức vừa được TPHCM phân bổ 1.500 tỷ đồng, trong đó 700 tỷ đồng cho giáo dục. TP Thủ Đức dự kiến xây 22 trường học mới, sẽ đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho học sinh trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng khẳng định sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các trường học hiện hữu. Dù vậy, đồng chí thẳng thắn cho biết, khi đi khảo sát, nhà vệ sinh ở rất nhiều trường không đảm bảo. Do đó, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức yêu cầu từng trường phải tự đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thì việc nâng cấp trường mới có ý nghĩa.
Trước băn khoăn của hiệu trưởng nhiều trường học về việc khó tuyển dụng nhân sự, đồng chí Hoàng Tùng cho biết, trong năm 2023, TP Thủ Đức tổ chức 2 đợt tuyển dụng giáo viên nhưng không thể tuyển được. Ông yêu cầu từng trường phải thể hiện được sự "hấp dẫn" của trường mình, trong đó hấp dẫn từ môi trường làm việc, cơ sở vật chất, đồng nghiệp... để thu hút giáo viên ứng tuyển.
Liên quan đến khai thác tài sản công trong trường học, đồng chí Hoàng Tùng cho rằng khó khăn chủ yếu hiện nay là vướng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức yêu cầu Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức chọn một số trường có đủ điều kiện, làm hồ sơ trình HĐND để thí điểm để làm trước.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu kết luận tọa đàm |
Phát biểu kết luận tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, Nghị quyết 98 với những cơ chế, chính sách đột phá sẽ hỗ trợ rất lớn cho TP Thủ Đức phát triển, trong đó có phát triển giáo dục. Chia sẻ nhiều suy nghĩ về trường học hạnh phúc, đồng chí yêu cầu các trường học trên địa bàn cần tăng cường giữ gìn khối thống nhất, đoàn kết trên tinh thần công khai minh bạch chức trách, chia sẻ công việc; nâng cao chất lượng dạy và học trên tinh thần chăm sóc học trò từ bữa ăn, giấc ngủ, đi lại, kể cả là thời gian học hành, lấy học trò làm trung tâm; quan tâm đến các hoạt động đoàn, đội trong trường học. Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cũng mong muốn các thầy cô giáo sẽ là nòng cốt trong bảo vệ vệ sinh môi trường.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp cam kết sẽ kiện toàn cán bộ quản lý giáo dục các trường đang khuyết trước Tết Nguyên đán 2024 và đến 2025 sẽ xây xong hoặc khởi công 22 trường học, tạo ra 700 phòng học mới với tổng giá trị 3.500 tỷ đồng.
Từ Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 của Chính phủ quy định về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức sẽ tập trung hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý để các trường thí điểm lắp đặt điện mặt trời; khai thác tài sản công; trang bị bình phòng cháy chữa cháy... Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức cũng cam kết thực hiện chương trình nhà ở cho các đối tượng trên địa bàn, trong đó có đội ngũ giáo viên.