TP Thủ Đức đề xuất 2 phương án trong sắp xếp tinh gọn bộ máy

Ngày 26-3, Thành ủy TP Thủ Đức tổ chức hội nghị lần thứ 33 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức. Tại hội nghị, lãnh đạo TP Thủ Đức đã thông tin về các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo của TPHCM. Theo đó, TP Thủ Đức đề xuất hai phương án sắp xếp.

Phương án A: Giữ nguyên TP Thủ Đức là cấp cơ sở trực thuộc TPHCM

Phương án này giữ nguyên mô hình TP Thủ Đức như một đơn vị cấp cơ sở. Dưới TP Thủ Đức sẽ có các đơn vị phục vụ hành chính cho nhân dân, số lượng phụ thuộc vào yêu cầu, tính chất công việc, mật độ dân số.

11-11. Công chức Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức tiếp nhận TTHC của người dân.JPG
Công chức TP Thủ Đức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

UBND TP Thủ Đức cho rằng phương án này đảm bảo tuân thủ yêu cầu theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị về mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định phát triển TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM. Đây là điều hết sức đặc biệt và vô cùng thuận lợi, qua đó, có thể thấy Bộ Chính trị, Trung ương hết sức quan tâm đến cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế... để TP Thủ Đức phát triển.

Thực tế, qua 4 năm vận hành theo mô hình chính quyền địa phương một cấp, hành chính 2 cấp TP Thủ Đức đã có nhiều điểm sáng, phù hợp với thực tiễn phát triển. Thành phố này đang vận hành với thẩm quyền tương đương cấp tỉnh. Đối với cấp hành chính tại 34 phường hiện đang xử lý các công việc hành chính đơn giản và được phân cấp, ủy quyền nhiều nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của chủ tịch và UBND TP Thủ Đức.

Theo đề xuất này, TP Thủ Đức sẽ duy trì chính quyền địa phương một cấp và thành lập các trung tâm phục vụ hành chính công nhằm giảm tải cho UBND TPHCM, đồng thời tăng tính tự chủ và hiệu quả quản lý cho UBND TPHCM trong công tác điều hành, tăng quyền chủ động cho các thành phố trực thuộc.

Phương án B: Sáp nhập 34 phường thành 9 phường

Theo phương án này, TP Thủ Đức sẽ sáp nhập 34 phường thành 9 phường, dựa trên đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc sáp nhập này nhằm tối ưu mật độ dân số và quy hoạch phát triển lâu dài.

Về tên gọi, TP Thủ Đức đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là đặt tên theo số thứ tự, từ Thủ Đức 1 đến Thủ Đức 9, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ để dễ quản lý.

Phương án 2 là đặt tên theo khu vực phát triển kinh tế (chẳng hạn, các phường ở khu vực Cát Lái khi sáp nhập sẽ lấy tên phường Cát Lái; khu vực Thủ Thiêm khi sáp nhập lấy tên phường Thủ Thiêm…).

Ảnh chụp Màn hình 2025-03-26 lúc 10.54.51.png
9 phân vùng TP Thủ Đức theo Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 đã được Thủ tướng phê duyệt

Cụ thể:

Phường Thủ Đức 1 trên cơ sở nhập nguyên trạng 5 phường (An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Thảo Điền và Thủ Thiêm), quy mô dân số 112.179 người.

Phường Thủ Đức 2 trên cơ sở nhập nguyên trạng 2 phường (Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước), quy mô dân số 172.934 người.

Phường Thủ Đức 3 trên cơ sở nhập nguyên trạng 3 phường (Bình Chiểu, Tam Bình và Tam Phú), quy mô dân số 149.252 người.

Phường Thủ Đức 4 trên cơ sở nhập nguyên trạng 2 phường (Linh Trung và Linh Xuân), quy mô dân số 129.762 người.

Phường Thủ Đức 5, trên cơ sở nhập nguyên trạng 3 phường (Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tân Phú), quy mô dân số 153.624 người.

Phường Thủ Đức 6, trên cơ sở nhập nguyên trạng 3 phường (Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh), quy mô dân số 83.021 người.

Phường Thủ Đức 7, trên cơ sở nhập nguyên trạng 5 phường (Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu), quy mô dân số 169.292 người.

Phường Thủ Đức 8, trên cơ sở nhập nguyên trạng 6 phường (Hiệp Phú, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B), quy mô dân số 261.055 người.

Phường Thủ Đức 9, trên cơ sở nhập nguyên trạng 5 phường (Bình Thọ, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Trường Thọ), quy mô dân số 175.941 người.

Vì sao nên giữ mô hình thành phố trong thành phố?

Theo sát và có nhiều nghiên cứu về mô hình thành phố trong thành phố, TS Bùi Ngọc Hiền (Học viện Cán bộ TPHCM) cho rằng cần thiết giữ lại mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và TPHCM.

Lý giải điều này, TS Bùi Ngọc Hiền cho biết, các thành phố trực thuộc Trung ương là trung tâm tại các vùng, miền với nhiều vai trò khác nhau. Sau khi sáp nhập với các tỉnh, trong thời gian tới, quy mô, vai trò của các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ lớn hơn, được đảm bảo các điều kiện nhằm khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng đa dạng để phát triển. Khi đó, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nên được thành lập để thực hiện các vai trò, sứ mệnh của mình nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của các phân khu đô thị cụ thể.

Đồng thời, sự tồn tại của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương còn giúp điều hòa nhịp độ phát triển tại các phân khu đô thị. Điều này có thể khó thực hiện trong điều kiện cấp cơ sở của các thành phố trực thuộc Trung ương có sự đồng nhất là các xã, phường. Khi đó, sự điều phối, chỉ đạo của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương có thể thiếu thường xuyên, kịp thời do chi phối bởi các mục tiêu, nhiệm vụ lớn hơn. Bên cạnh đó, các xã, phường bị chi phối bởi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội riêng nên có thể có sự thiếu thống nhất, liên kết hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các xã, phường, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố trực thuộc Trung ương.

13.jpg
Người dân, doanh nghiệp tham quan các phân vùng TP Thủ Đức tại buổi công bố quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch chung TP Thủ Đức.

Thứ hai, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các thành phố có quy mô đô thị đặc biệt hay siêu đô thị thì việc tổ chức các thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương còn để giảm áp lực quản lý cho chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương. Thực tiễn cho thấy, các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, ngoài việc thực hiện các vai trò, nhiệm vụ như các thành phố trực thuộc Trung ương khác, các thành phố này còn nhiều áp lực trong quản lý, điều hành và tổ chức phát triển kinh tế - xã hội khi có quy mô dân số, diện tích lớn hơn cùng với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, được giao từ chính quyền Trung ương.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao phải là thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong khi đã có các xã, phường được sáp nhập lại có quy mô lớn hơn, tương đương cấp huyện như hiện nay? TS Bùi Ngọc Hiền cho rằng, tuy việc sáp nhập các xã, phường hiện này thành các xã, phường có quy mô, chức năng, nhiệm vụ lớn hơn thì các xã, phường mới của thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn hữu hạn về quy mô, diện tích theo các tiêu chí cụ thể.

Do đó, nếu được cho phép thành lập, cần quy định cụ thể các tiêu chí thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương về vai trò, chức năng trong phát triển kinh tế - xã hội; về diện tích, dân số… Theo đó, các thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cần có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội tương đương các tỉnh, dân số có thể cao hơn một số tỉnh. Khi đó, như TP Thủ Đức hiện nay có thể được xem xét mở rộng phạm vi của mình sang vùng lân cận hiện đang thuộc các tỉnh khác để có quy mô lớn hơn, đảm bảo và thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò, sứ mệnh của mình trong tiến trình phát triển của TPHCM cũng như cả nước.

“Nếu được cho phép thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết cần tiếp cận khái niệm “hai cấp chính quyền địa phương” có độ mở và linh hoạt hơn. Tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có HĐND, UBND với tổ chức bên trong tinh gọn và bên dưới có Ủy ban hành chính tại các phân khu đô thị của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công. Khi đó, các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tổ chức thành chính quyền địa phương hai cấp nhưng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đô thị và đảm bảo thúc đẩy phát triển toàn diện, hiệu quả thành phố trực thuộc Trung ương”, TS Bùi Ngọc Hiền phân tích.

Tin cùng chuyên mục