Với các nhóm giải pháp cho các năm tiếp theo, TP Thủ Dầu Một đang hướng tới phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo động lực thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nhiều mô hình hay từ thực tiễn
Theo kết quả chỉ số CCHC năm 2021, nhiều chỉ số CCHC của TP Thủ Dầu Một có bước cải thiện như công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy đều đạt điểm tối đa, các lĩnh vực hiện đại hóa, thực hiện cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông đều tăng điểm. Kết quả này đã phản ánh sinh động kết quả chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác CCHC, trong đó có vai trò của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn, nhất là ở các lĩnh vực người dân có nhiều nhu cầu như: địa chính xây dựng, sao y chứng thực, hộ tịch…
Ông Nguyễn Văn Ân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, cho biết, phường đã thông tin tuyên truyền đến người dân và triển khai nhiều mô hình hay, như thành lập tổ đến nhà tạo tài khoản dịch vụ công cho người dân, hướng dẫn người dân đăng ký sim với thông tin cá nhân chính xác, phát tờ rơi tuyên truyền, tổ chức các hội thi, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, tránh gây phiền hà cho dân. Cùng đó, các mô hình như “Hẹn giờ hướng dẫn và trả kết quả tại nhà”, “Ngày không viết”, “Chứng thực chữ ký tại nhà với người cao tuổi đi lại khó khăn”… đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong giải quyết các TTHC.
Hiện nay, trang thiết bị tại bộ phận một cửa ở các phường đang từng bước được nâng cấp, trang bị mới theo hướng khang trang, đồng bộ, hiện đại, giúp tạo sự thoải mái, thân thiện, gần gũi cho người dân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC. Đối với cấp thành phố, việc đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Thủ Dầu Một (năm 2018) là điển hình của việc áp dụng mô hình sáng tạo để phục vụ người dân, tổ chức, sử dụng rộng rãi phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, TTHC, trở thành đầu mối tập trung trong tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc và trả kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa liên thông.
Ông Nguyễn Anh Quân (75 tuổi, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) chia sẻ: trong khoảng 1 năm qua, khi liên hệ bộ phận 1 cửa của phường và thành phố đã không còn cảnh người dân chờ đợi ở khu vực văn phòng để làm TTHC; người lớn tuổi, sức khỏe yếu tương tác với các thiết bị công nghệ, hạn chế được cán bộ nhân viên hướng dẫn và trả kết quả rất nhanh.
Xây dựng chính quyền số
Theo UBND TP Thủ Dầu Một, cùng với việc tiếp tục CCHC, thành phố cũng tập trung các giải pháp để hướng đến phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và xem đây là khâu trọng tâm, đột phá. Trong đó, nội dung cốt lõi là tổ chức tốt Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trung tâm phục vụ hành chính công thành phố, trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên triển khai thành công mô hình này và hiện đang được nhân rộng ra các huyện thị, thành phố khác của tỉnh.
Hiện thành phố đã có 100% TTHC thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 153 TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính; hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu 20% đối với UBND thành phố, 15% đối với UBND phường, đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Thành phố cũng yêu cầu tăng tỷ lệ số hóa, chữ ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, tỷ lệ hồ sơ công việc điện tử cấp thành phố đạt 85%, cấp xã đạt 60%, đồng thời triển khai phần mềm VNPT e-Cabinet - Phòng họp không giấy, phòng họp trực tuyến và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành thông minh VNPT VSR trong hoạt động của UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, cho biết thêm, để triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng hướng đến xây dựng chính quyền số, UBND thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trước mắt, thành phố xây dựng, triển khai hệ thống thông tin dùng chung trong nội bộ các cơ quan nhà nước, tái cấu trúc cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cơ quan nhà nước và xây dựng dữ liệu chính quyền mở nhằm chia sẻ một phần kho dữ liệu dùng chung theo quy định, phục vụ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, tăng cường tính minh bạch của cơ quan nhà nước.